Theo nghiên cứu công bố 2011 và chỉnh sửa năm 2014, Canada nhận định quan điểm tiếp cận lập pháp về mại dâm trên thế giới có thể chia làm 5 mô hình:
Mô hình nghiêm cấm: Mại dâm bị coi là hành vi xâm phạm đạo đức, nhân phẩm con người, cần phải bị loại trừ hoàn toàn khỏi xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, luật hình sự và lực lượng thực thi pháp luật sẽ là công cụ chủ chốt để xử phạt.
Ví dụ: Mại dâm và các hành vi liên quan đều bị nghiêm cấm ở Nga, châu Phi, và hầu hết các bang của Mỹ (ngoại trừ Nevada).
Mô hình xóa bỏ: Được coi là cách tiếp cận trung lập giữa mô hình nghiêm cấm và mô hình hợp pháp hóa. Theo đó, người bán dâm có thể tự do lựa chọn tham gia hành nghề, nhưng vẫn là tệ nạn xã hội cần được đẩy lùi. Vai trò của nhà nước là hạn chế ảnh hưởng của mại dâm, không để tác động tới trật tự và ổn định xã hội. Những quốc gia theo mô hình này thường chỉ xử lý hình sự với hành vi môi giới hoặc mời chào mại dâm. Hành vi bán dâm và mua dâm không bị coi là vi phạm pháp luật.
Legislation cho hay, tại Anh, điều 52, 53, và 55 Đạo luật Vi phạm Tình dục 2003 quy định hình phạt cho hành vi mời chào, dụ dỗ, môi giới, điều khiển mại dâm, sở hữu, hoặc quản lý nhà chứa gái mại dâm sẽ lên tới 6 tháng tù và phạt tiền tối đa 5.000 bảng.
Mô hình xóa bỏ kiểu mới: Cách tiếp cận này cho rằng mại dâm là một dạng bạo lực đối với cơ thể con người. Tệ nạn này bắt nguồn từ nhu cầu của khách hàng. Để thỏa mãn nhu cầu đó ắt sẽ có kẻ đứng ra làm môi giới để tổ chức và quản lý hoạt động mại dâm kiếm lời. Nếu cầu giảm thì cung cũng sẽ giảm.
Theo Bmj, vì vậy, mô hình này thường không xử phạt bản thân hành vi mại dâm, mà truy cứu trách nhiệm với mọi hoạt động khác như mua dâm, môi giới, và tổ chức mại dâm.
Mô hình này đang được Thụy Điển, Na Uy, Pháp... áp dụng. Tại Thụy Điển, "Tú Bà" có thể bị phạt tù tối đa 4 năm, người mua dâm có thể bị phạt tiền và phạt tù tối đa 6 tháng.
Mô hình phi hình sự hóa: Mọi chế định pháp luật xử phạt liên quan hoạt động mại dâm đều bị xóa bỏ, chỉ còn lại một vài quy định chung. Mục tiêu của phi hình sự hóa là coi mại dâm như một nghề nghiệp thông thường và chỉ bị điều chỉnh bằng một số quy định riêng biệt ở mức tối thiểu.
Australia và New Zealand là hai trong nhiều quốc gia áp dụng mô hình này. Gái bán dâm hoặc người có hành vi liên quan không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hành chính.
Mô hình hợp pháp hóa: Quốc gia theo mô hình này trực tiếp tham gia điều chỉnh hoạt động mại dâm bằng luật hình sự, luật lao động và các văn bản pháp luật khác. Theo đó, mại dâm được coi là một nghề nghiệp hợp pháp nhưng phải chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Pháp luật chỉ cho phép người đủ điều kiện hành nghề trong những trường hợp được cho phép, qua hình thức cấp giấy phép lao động, giấy phép kinh doanh, đặt ra khu vực hoạt động riêng.
Ví dụ: Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan... thực hiện nhiều chính sách để điều chỉnh chặt chẽ hoạt động mại dâm như kiểm tra sức khỏe định kỳ bắt buộc, luật lao động, giới hạn khu vực hành nghề.
Tóm tắt đặc điểm các mô hình
Loại mô hình | Bán dâm | Mua dâm | Tổ chức mại dâm | Mời chào/Dụ dỗ/Rủ rê |
Xóa bỏ | Hợp pháp | Hợp pháp | Phi pháp | Thường là phi pháp |
Xóa bỏ kiểu mới | Hợp pháp | Phi pháp | Phi pháp | Phi pháp |
Hợp pháp hóa | Bị điều chỉnh | Bị điều chỉnh | Bị điều chỉnh | Bị điều chỉnh |
Phi hình sự hóa | Hợp pháp | Hợp pháp | Hợp pháp | Hợp pháp |
Nghiêm cấm | Phi pháp | Phi pháp | Phi pháp | Phi pháp |