Hiện tại, khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến trở thành nhu cầu tất yếu. Vấn đề quan trọng đặt ra là liệu việc dạy và học trực tuyến có đem lại hiệu quả thiết thực và phương pháp nào để dạy và học tốt nhất.
Đối với tôi, việc dạy qua Zoom kém thuận lợi so với dạy học trực tiếp nhưng chúng ta hoàn toàn có thể biến những điều bất lợi đó thành thuận lợi. Khi đã quen với dạy qua Zoom, việc dạy và học trở nên rất dễ dàng và đem lại hiệu quả cực kỳ tốt cho giáo viên lẫn người học. Học trực tuyến khi đó lại phát huy được những ưu điểm mà học trực tiếp không thể có như tiết kiệm thời gian, công sức di chuyển, chi phí và giúp kết nối được học sinh từ bất cứ đâu.
Dưới đây là 5 mẹo mà tôi đã đúc kết sau nhiều khóa dạy học trực tuyến với các bạn học sinh người Việt ở khắp 5 châu ở "Yêu Tiếng Việt".
1. Thiết lập hệ thống trò chơi tương tác
Trẻ em rất thích chơi trò tương tác, có tính ganh đua. Trò chơi giúp các em gắn kết với bài học, hứng thú hơn và kết quả là sẽ ghi nhớ bài nhanh, lâu hơn.
Đối với các lớp học trên Zoom, trò chơi tương tác rất quan trọng. May mắn là hiện tại chúng ta có rất nhiều nền tảng giáo dục cung cấp trò chơi hấp dẫn cho trẻ em trên Zoom như Kahoot, Baamboozle, Quizlet, Wordwall... Giáo viên cũng hoàn toàn có thể sử dụng các thẻ học (flashcard) để bổ trợ cho trò chơi.
Trò chơi có thể được triển khai trong suốt thời gian buổi học, song thông thường có thể được sử dụng như một công cụ để kiểm tra bài cũ ở đầu buổi hoặc củng cố kiến thức ở cuối buổi. Muốn sử dụng hiệu quả các trò chơi này, giáo viên cần có sự chuẩn bị kỹ càng và lập ra kho trò chơi sẵn sàng cho mọi hoạt động có thể của lớp.
2. Tăng cường hoạt động trao đổi nhóm
Trong lớp có đông học sinh thì việc chỉ lắng nghe thầy cô nói từ đầu đến cuối và không có hoạt động gì khác sẽ gây nhàm chán. Hệ quả là học sinh có thể tắt màn hình video và rời đi mà giáo viên không thể kiểm soát được. Do đó, điều rất quan trọng đối với học trực tuyến là luôn gắn kết học sinh với các hoạt động. Nói cách khác, giáo viên phải huy động tối đa sự tham gia của học sinh, tránh những khoảng thời gian chết của từng cá nhân.
Vấn đề ở chỗ với lớp đông học sinh, giáo viên cảm thấy khó khăn khi phải cùng một lúc điều hành hướng dẫn các em tham gia vào nhiều hoạt động và không được bỏ sót em nào. Với Zoom, việc này hoàn toàn khả thi, miễn là giáo viên có năng lực tốt trong việc điều tiết hoạt động.
Như dạy tiếng Việt cho trẻ em nước ngoài chẳng hạn, một chiến lược giảng dạy quan trọng khi học từ mới là giáo viên sẽ luyện nói cho một hoặc một số học sinh, trong khi các em còn lại sẽ viết lại một lần hoặc nhiều lần từ mới đó vào vở. Như thế tức là toàn bộ học sinh có việc để làm trong suốt buổi học.
Trong Zoom, thầy cô cần đặc biệt lưu ý đến công cụ chia tách phòng thảo luận (Breakout Rooms). Đây là phòng ảo, giúp giáo viên chia lớp thành nhiều nhóm để thảo luận. Zoom hiện cho phép tách tối đa thành 52 phòng. Với tư cách là người điều hành (host), giáo viên có thể "đi" vào bất cứ phòng nào để hướng dẫn. Breakout Rooms là công cụ rất quan trọng và cần thiết đối với các lớp đông học sinh, giúp cho các em có thể tương tác với nhau theo nhóm dưới dự hướng dẫn và giám sát của giáo viên.
3. Sử dụng nhuần nhuyễn công cụ trên Zoom
Để làm chủ lớp học và tình huống sư phạm khi học trực tuyến, giáo viên cần sử dụng thông thạo công cụ được tích hợp trên phần mềm Zoom. Chúng có nhiều chức năng, nhưng đều hướng đến việc hỗ trợ một cách hiệu quả cho giáo viên và giúp nâng cao tính tương tác của buổi dạy trực tuyến. Đặc biệt quan trọng và phổ biến là công cụ dùng để chia sẻ màn hình.
Trong Zoom, công cụ Bảng trắng (Whiteboard) được sử dụng khá phổ biến, thầy cô cần tận dụng, đặc biệt là hoạt động đòi hòi sự tham gia của nhiều học sinh cùng lúc. Giáo viên có thể dùng bảng trắng để viết, đánh máy, vẽ và chia sẻ ý tưởng cùng học sinh.
Giáo viên và học sinh cần tận dụng tối đa công cụ bút vẽ (Annotate) trên Zoom. Khi chia sẻ một bảng trắng, một bài tập hoặc một bức tranh cho học sinh trên Zoom, công cụ Annotate giúp học sinh và giáo viên cùng viết, vẽ hoặc thiết kế các hoạt động.
Chẳng hạn, các nhóm trong lớp có thể cùng vẽ hoặc tô màu bức tranh hoặc đánh máy/viết kết quả trên màn hình được chia sẻ. Việc cùng nhau thực hiện các hoạt động bằng Annotate thường khơi gợi sự tò mò, thích thú cho học sinh. Để chuẩn bị tốt việc này, giáo viên cũng cần hướng dẫn các em (hoặc phụ huynh) cách thức lấy và sử dụng công cụ Annotate, đồng thời phải nói rõ quy định sử dụng, tránh trường hợp các em bôi vẽ lung tung khi chưa được phép.
4. Hình nền ảo - ấn tượng thật
Công cụ tạo hình nền ảo (virtual background) "đưa" học sinh đến những không gian ảo, gây sự tò mò và hứng thú. Công cụ này đặc biệt hữu dụng khi hậu cảnh thực tế của giáo viên và học sinh không phù hợp với việc học trực tuyến. Không những thế, Zoom còn cho phép người dùng tạo ra các lớp học và giảng đường ảo qua công cụ Immersive View giúp học sinh và giáo viên được trải nghiệm như ngồi trong một lớp học hay một giảng đường thật và tiện nghi.
Thêm nữa, việc tạo ra những hình nền ảo không nên chỉ dừng lại ở thay đổi không gian học tập và đem lại hứng khởi, sự tươi mới cho lớp học mà còn có thể được sử dụng như là công cụ để giới thiệu và truyền đạt nội dung bài học một cách ấn tượng nhất. Chẳng hạn, khi học về đất nước Việt Nam, giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng hình nền ảo là tấm bản đồ hoặc địa danh nổi tiếng của Việt Nam để giúp học sinh dễ hình dung, nắm bắt.
5. Cần bật video trong suốt buổi học
Đây là yêu cầu rất quan trọng đối với lớp học. Việc luôn bật video giúp các em gắn kết hơn với cả lớp, nhìn thấy các bạn khác và cả giáo viên. Ngược lại, nó cũng giúp giáo viên kiểm soát được việc học tập, giao tiếp tốt với học sinh (chứ không phải một cái màn hình đen và tắt tiếng) và sự chuyên cần của các em.
Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt hoặc bất khả kháng, giáo viên cần yêu cầu học sinh bật video trong suốt buổi học. Ngược lại, việc yêu cầu và cho phép học sinh bật tiếng hay không sẽ do giáo viên quyết định tùy thuộc vào điều kiện từng lớp cụ thể.
Trong các lớp có ý thức học tập tốt và học sinh cần tương tác liên tục, giáo viên không cần yêu cầu học sinh tắt tiếng. Tuy nhiên, thầy cô cần yêu cầu học sinh đảm bảo nguyên tắc là luân phiên nói và "giơ tay" phát biểu bằng "tay thật" hoặc biểu tượng "tay ảo".
TS Nguyễn Thế Dương