Theo tiến sĩ Joe Rubino, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về các bệnh tâm lý, tác giả của 12 đầu sách nổi tiếng về trầm cảm, có các mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng.
Quản lý suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực tạo cảm giác ủ dột, chán nản và buồn bã. Do đó, mọi người nên tạo ra những diễn giải có sức mạnh cho mọi sự kiện hàng ngày trong cuộc sống.
Bạn cần hiểu mỗi tình huống mang tính thử thách đều mang đến cho bạn một món quà cho sự phát triển và trưởng thành của bản thân. Nên coi cuộc sống như một quá trình học tập liên tục và tìm kiếm sự khôn ngoan đến từ mọi tình huống đó.
Chìa khóa để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực là hiểu cách bạn suy nghĩ hiện tại và các vấn đề phát sinh, sau đó sử dụng các chiến lược để thay đổi những suy nghĩ này hoặc làm cho chúng ít gây ảnh hưởng hơn.
Áp dụng thái độ biết ơn
Khi đối diện tình huống khó khăn, nhiều người có thể cảm thấy buồn, lạc lõng, lo lắng hoặc thậm chí là chán nản. Tuy nhiên, một trái tim biết ơn giúp chúng ta tập trung vào bức tranh toàn cảnh để khi nghịch cảnh ập đến, chúng ta không đánh mất chính mình trong quá trình đó.
Biết ơn những gì bạn đang có thay vì bận tâm đến những gì bạn không có sẽ giúp bạn tập trung vào những điều tích cực, đẩy lùi tâm trạng buồn bã. Lòng biết ơn là chất xúc tác mạnh mẽ cho hạnh phúc. Đó là tia lửa thắp sáng ngọn lửa vui vẻ trong tâm hồn bạn.
Học cách đồng cảm
Một nghiên cứu của Đại học Michigan được công bố năm 2010 cho thấy sự đồng cảm đã giảm 40% từ những năm 1970 đến những năm 2000. Hầu hết sự suy giảm đó xảy ra đồng thời với sự gia tăng của mạng xã hội, khi giao tiếp chuyển từ trực tiếp hoặc gọi điện sang tin nhắn và biểu tượng cảm xúc. Điều này cho thấy khả năng đồng cảm trong xã hội, giữa con người và con người, đang thực sự giảm sút.
Sự đồng cảm là khả năng cảm nhận được những gì người khác đang cảm thấy như thể điều đó đang xảy ra với bạn. Đây đồng thời là khả năng nhìn thế giới từ góc nhìn của người khác.
Học cách đồng cảm chính là nhắc nhở bản thân rằng mọi người đều hành động theo cách họ nhìn nhận thế giới và bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương và tổn hại. Từ đó, bạn quyết định coi hành vi của người khác là thú vị thay vì gây khó chịu. Nhờ vậy, những nỗi buồn của bạn có thể tan biến.
Tha thứ cho những người làm bạn buồn
Bị người khác làm tổn thương, gây ra cảm giác buồn bã là điều không thể tránh khỏi. Tiến sĩ Luskin, người sáng lập Dự án Tha thứ của Đại học Stanford và là tác giả của cuốn sách Forgive for Good, cho biết theo nghĩa cơ bản nhất, tha thứ là buông bỏ những cảm xúc tiêu cực hoặc mong muốn trả thù sau khi bạn bị tổn thương.
Luskin giải thích rằng hầu hết các lý do để tha thứ là vì lợi ích của chính bạn. Khi bạn nhớ lại một nỗi đau hoặc vết thương tâm lý chưa lành, ký ức đó sẽ kích hoạt các chất hóa học gây căng thẳng. Nó kích hoạt sự đau khổ về mặt cơ thể.
Khi bạn nhớ lại nó thường xuyên, bạn đang gây căng thẳng cho cơ thể mình một cách mãn tính.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Khi bạn có nhiều thứ phải làm hoặc đang trải qua thời kỳ khó khăn, điều giúp bạn mạnh mẽ hơn lại chính là việc thừa nhận rằng bạn cần được hỗ trợ và có người có thể giúp bạn.
Ngược lại, điều khiến bạn yếu đuối chính là cố gắng tự mình làm mọi thứ và không thừa nhận rằng bạn cần được giúp đỡ.
Với sự hỗ trợ có được, bạn hoàn toàn có thể tạo dựng một tầm nhìn mới, đầy cảm hứng cho tương lai. Nên viết ra tầm nhìn của bạn, các mục tiêu trong 1, 3, 5 và 10 năm tới, mô tả chi tiết những gì bạn mong muốn trong đời như sức khỏe và ngoại hình, tài chính, công việc hoặc các mối quan hệ.
Sau đó, bạn có thể vạch ra những kế hoạch cần thiết để thực hiện mục tiêu đó. Khi có những động lực mới, bạn sẽ giảm bớt thời gian nghĩ về những nỗi buồn hiện hữu.
Thùy Linh (Theo Yourtango)