Thứ hai, 27/1/2025
Chủ nhật, 26/1/2025, 15:00 (GMT+7)

5 lý do chấm dứt kỷ nguyên Big Six ở Ngoại hạng Anh

AnhNhững mùa gần đây, Man City, Liverpool, Arsenal, Chelsea, Man Utd và Tottenham không còn cùng nhau thống trị Top 6 Ngoại hạng Anh như trước.

Từ mùa 2009-2010 đến 2018-2019, sáu đội Man City, Liverpool, Arsenal, Man Utd, Chelsea và Tottenham có năm mùa kết thúc trong Top 6, hai mùa trong Top 7, một mùa trong Top 8 và một mùa trong Top 10. Giới chuyên môn không ngần ngại dành mỹ từ Big Six để nói về kỷ nguyên thống trị của họ. Nhưng những mùa gần đây, nhóm dưới bắt đầu trỗi dậy như nấm sau mưa. Đặc biệt, những gì diễn ra mùa này đang tạo ra cảm giác của một cuộc lật đổ. Nottingham đang có cùng 44 điểm với đội xếp thứ hai Arsenal. Newcastle đang có cùng 38 điểm với đương kim vô địch Man City, trong khi Man Utd và Tottenham rơi xuống thứ 13 và 15.

Theo ESPN, lý do đầu tiên chấm dứt kỷ nguyên Big Six là các đội khác ngày càng giàu lên. 20 đội Ngoại hạng Anh đang kiếm được 7,5 tỷ USD mỗi mùa, cao hơn cả giải La Liga và Serie A cộng lại. Với tài chính dư dả, nhiều đội bóng nhỏ sẵn sàng đầu tư mạnh cho cầu thủ. Tính từ hè 2024, Brighton chi nhiều nhất vào thị trường chuyển nhượng toàn cầu. Chi tiêu ròng (chi phí mua trừ đi doanh thu bán cầu thủ) của đội mới lên hạng Ipswich Town thậm chí vượt qua con số tổng của Real, Barca và Bayern, ba ứng cử viên vô địch Champions League. Với việc được đầu tư mạnh, các đội bóng nhỏ đã có đủ lực lượng để công phá Big Six.

Các đội bóng nhỏ vận hành thông minh hơn. Brighton và Brentford đều đang dùng dữ liệu nâng cao để đưa ra các quyết định đầu tư, chuyển nhượng và xây dựng đội hình. Bournemouth, Crystal Palace và Fulham cũng đang cố học theo. Những CLB này luôn hướng tới những tài năng trẻ được đánh giá thấp, mua về với giá rẻ, thi đấu nhiều năm với mức lương không quá cao, rồi tăng giá và bán đi khi cần. Với cách làm đó, họ luôn có lực lượng dồi dào, đồng thời không sợ vi phạm quy định Lợi nhuận và Bền vững Ngoại hạng Anh. Từ mùa 2019-2020, các CLB không thuộc Big Six giành nhiều điểm hơn dự kiến dựa trên chi tiêu tiền lương.

Man Utd sa sút. Man Utd là CLB tệ nhất trong Big Six. "Quỷ Đỏ" luôn nằm trong số những CLB kiếm tiền nhiều nhất thế giới, trả lương cạnh tranh so với hầu hết đối thủ, nhưng không giành được kết quả tương xứng. Đội vô địch Ngoại hạng Anh nhiều nhất đang xếp thứ 13 sau 22 vòng mùa này, sau khi kết thúc mùa trước ở vị trí thứ tám.

Trong khi đó, Tottenham có thể lý giải cho việc rơi xuống thứ 15 bằng cuộc khủng hoảng chấn thương. "Gà trống" là đội duy nhất trong chín đội cuối bảng đang có hiệu số dương (+10). Khi các trụ cột hồi phục, họ nhiều khả năng trở lại nửa trên bảng tổng sắp.

Newcastle đang trở thành một thế lực. Newcastle hiện thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư công Arab Saudi, nơi kiểm soát gần một nghìn tỷ USD tài sản. Theo ESPN, chủ sở hữu của Newcastle là chủ sở hữu giàu nhất trong mọi môn thể thao chuyên nghiệp. Trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên dưới quyền sở hữu mới (2022-2023), "Chích chòe" kết thúc ở vị trí thứ tư. Mùa trước, họ kết thúc ở vị trí thứ bảy, nhưng tạo ra hiệu số bàn thắng bại tốt thứ tư giải đấu. Mùa này, họ đang đứng thứ sáu với 38 điểm sau 22 trận. Newcastle đang có nền tảng vững chắc cả về tài chính và thể thao để trở thành một trong Big Six mới.

Thời thế thay đổi. Kể từ mùa 2018-2019, một số cuộc cải tổ đã diễn ra với Big Six. Arsenal chấp nhận thay cựu HLV Arsene Wenger, trải qua một vài mùa ngoài Top 6, rồi tái khẳng định mình dưới thời Mikel Arteta. Chelsea cũng gặp khó khăn sau khi chủ cũ Roman Abramovich phải bán CLB, trước khi trở lại vị trí thứ sáu mùa trước và đang xếp thứ tư mùa này. Thay đổi là điều tất yếu phải xảy ra với hầu hết các CLB. Sau giai đoạn huy hoàng, họ phải chấp nhận thất bại, làm mới bản thân và cần thời gian để trở lại. Man City có thể là một ví dụ trong thời gian tới, khi Ủy ban xét xử độc lập công bố mức án về 130 cáo buộc.

Ảnh: Reuters, AFP, PA