Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường, 65 inch trở thành kích thước TV phổ biến của người dùng Việt hơn một năm qua. Đây cũng là phân khúc có nhiều lựa chọn nhất từ tất cả thương hiệu lớn trên thị trường, từ giá rẻ, tầm trung đến cao cấp. Trong đó, tầm giá 20 triệu đồng cân bằng giữa chất lượng hình ảnh, âm thanh, tính năng của hệ điều hành với chi phí bỏ ra.
Sony Bravia 3 K-65S30 65 inch (21 triệu đồng)
Bravia 3 là dòng TV giá tốt nhất năm 2024 của Sony sử dụng công nghệ đèn nền LED. Thông số thấp hơn các mẫu cao cấp, như tần số quét 60 Hz thay vì 120 Hz, dù vẫn độ phân giải 4K. Tuy nhiên, máy vẫn có các công nghệ đặc trưng về hình ảnh của Sony như Triluminos Pro cho màu sắc trung thực, hỗ trợ HDR10, HLG và Dolby Vision. Sản phẩm sử dụng chip 4K HDR X1, hệ thống loa công suất 10 W hỗ trợ Dolby Audio và Dolby Atmos.
Một trong những điểm mạnh của Bravia 3 so với đối thủ là hệ điều hành Google TV mới nhất. Ngoài kho phần mềm phong phú, đây cũng là nền tảng TV hỗ trợ điều khiển, ra lệnh bằng giọng nói tốt nhất, nhận diện ngữ điệu tự nhiên, giọng nói cả ba vùng miền và điều khiển nhà thông minh có tương thích Google Home. Phiên bản mới của Google TV có giao diện đơn giản hơn, dễ sử dụng và phân chia hiển thị nội dung cá nhân hóa theo người dùng cụ thể.
Samsung QLED QA65Q65D (19,2 triệu đồng)
QLED QA65Q65D có ưu thế với thiết kế mỏng AirSlim, phù hợp treo tường và để trên kệ. Model này có độ phân giải 4K, công nghệ Quantum HDR tăng dải tương phản, màu sắc chuẩn pantone, đèn nền Dual LED. Thiết bị có chế độ riêng cho chơi game và một menu tùy chỉnh khi kết nối máy chơi game.
Hệ điều hành TizenOS được làm lại với giao diện đơn giản, hỗ trợ hiển thị hai màn hình cùng lúc, hỗ trợ tiếng Việt dù chưa nhận diện giọng nói, phản hồi tốt như Google Assistant. Người dùng có thể điều khiển thiết bị thông minh tương thích nền tảng SmartThings.
LG QNED 65QNED80TSA (17,6 triệu đồng)
QNED80 sử dụng công nghệ LED viền, vi xử lý A5 AI Gen7 để xử lý nâng cấp hình ảnh 4K từ nguồn nội dung Full HD hoặc thấp hơn. TV cải thiện màu sắc, tăng độ chi tiết với Advanced Local Dimming và tự động điều chỉnh chất lượng hiển thị giúp giảm độ trễ khi chơi game với Auto Low Latency Mode (ALLM).
Sản phẩm sử dụng hệ điều hành webOS 24 với giao diện dễ dùng, cài sẵn đầy đủ ứng dụng video, truyền hình OTT nổi tiếng. Ưu điểm của thiết bị là điều khiển chuột bay nhận diện cử chỉ dễ sử dụng cho người già, trẻ nhỏ.
Xiaomi Smart Display S ELA5672GL (20 triệu đồng)
S ELA5672GL không hẳn là TV bởi không có cổng ăng-ten cũng như không có tính năng đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 nhằm giảm giá bán. Người dùng vì vậy phải xem các chương trình truyền hình qua ứng dụng cài đặt hoặc đầu thu riêng. Bù lại, sản phẩm của Xiaomi có ưu điểm nổi trội về tấm nền VA với công nghệ đèn nền Mini LED, tần số quét 144 Hz.
Smart Display S ELA5672GL chạy hệ điều hành Google TV với giao diện gốc, nhiều ứng dụng và cũng hỗ trợ điều khiển, tìm kiếm bằng giọng nói tiếng Việt.
Toshiba M450 65 inch (19 triệu đồng)
Sau nhiều năm, Toshiba chính thức trở lại cuộc đua TV ở phân khúc phổ thông với dòng QLED M450. Tấm nền QLED độ phân giải 4K dùng chip AI là Regza Engine ZR đảm nhận các tác vụ nâng độ phân giải (upscale) video Full HD hoặc HD lên 4K. TV cũng có công nghệ hình ảnh, âm thanh nổi bật như HDR, Dolby Vision, Dolby Atmos, tính năng giảm độ trễ tự động ALLM.
Thiết bị chạy hệ điều hành Vidaa với giao diện lai giữa webOS và TizenOS. Kho phần mềm kém phong phú so với Google TV nhưng đầy đủ ứng dụng cơ bản từ OTT đến phần mềm xem phim chuyên dụng. TV cũng có chứng chỉ từ Netflix nên có độ phân giải, chất lượng tốt nhất được hỗ trợ từ nền tảng này. Thực tế, Vidaa được xây dựng từ lõi Android nên về lý thuyết, các phần mềm của Google TV vẫn có thể cài lên TV của Toshiba. Điều khiển cũng có tính năng tìm kiếm, ra lệnh bằng tiếng Việt.