
Trong thời điểm đến trường sau dịch, một trong những vấn đề được các trường quan tâm là bảo đảm an toàn sức khỏe cho các bé. Giáo viên đã đợi sẵn để đón các bé ở trường, đo thân nhiệt và cho các em rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước. Nhờ đó, trẻ cũng có nhận thức rõ nét hơn về nhũng quy định vệ sinh phòng chống dịch quan trọng và cần thiết cho bản thân, bạn bè như thế nào.

Ngoài ra, các em rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi bắt đầu những tiết học khác tại lớp. Nhiều bé chủ động rửa tay đúng cách mà không để giáo viên nhắc nhở. Đôi bàn tay sạch góp phần bảo vệ bé, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là đang trong thời điểm giao mùa.

Hoạt động đầu ngày của các bé ở một số trường mầm non là dùng bữa sáng. Các bé biết tự ăn sẽ ngồi vào vị trí và xúc thức ăn. Ngoài bữa sáng, các bé sẽ có thêm 2 bữa ăn gồm ăn trưa và ăn xế, được thay đổi thường xuyên, cân đối các nhóm chất để trẻ có năng lượng, nguồn dinh dưỡng cho sự phát triển. Đây là hoạt động dinh dưỡng chính của trẻ mầm non, kết hợp phát triển kỹ năng kỹ năng tự xúc thức ăn cho các bé nhỏ tuổi.

Để tiếp thêm năng lượng, bổ sung nguồn dưỡng chất cho các bé, giáo viên ở một số trường mầm non sẽ cho các bé nạp thêm hộp sữa thơm ngon, bổ dưỡng mỗi ngày đến trường. Nhiều bé hào hứng khi đến giờ uống sữa học đường để thưởng thức thức uống yêu thích.

Không chỉ uống sữa, các bé còn học được những bài học thiết thực như tái chế vật dụng, bỏ rác đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường. Trẻ còn thu nạp thêm kiến thức về dinh dưỡng như đọc hạn sử dụng của sản phẩm; các vi chất như canxi, vitamin D giúp xương chắc, khỏe, cao lớn hơn; vitamin A có lợi cho mắt... Giáo viên còn tổ chức những trò chơi nhỏ để các bé thi tài trở thành những "chuyên gia dinh dưỡng nhí", thi đua uống sữa cùng bạn bè...

Khi có năng lượng, trẻ hòa mình vào hoạt động vận động, vui chơi, học hỏi cùng bạn bè. Một trong những hoạt động được các bé yêu thích là tập thể dục buổi sáng. Tùy vào từng trường, giáo viên mà trẻ có thể tập thể dục trong lớp hoặc ngoài trời.

Theo cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2 (TP HCM), chương trình giảng dạy cho trẻ mầm non tập trung vào 5 lĩnh vực gồm thể chất, nhận thức, thẩm mỹ, tâm lý xã hội, ngôn ngữ. Các lĩnh vực này không tách rời mà sẽ được giáo viên cân đối, kết hợp trong những nội dung giảng dạy để đảm bảo trẻ có thể phát triển đầy đủ, toàn diện hơn.

Mỗi ngày đến trường, các bé có rất nhiều hoạt động thú vị trong các tiết học như mỹ thuật, thể dục, âm nhạc, tiếng Anh... Trẻ được học thông qua các trò chơi tạo không khí vui vẻ, hào hứng.

Tiết học Karatedo - môn võ thuật thể thao tại trường Mầm non Sakura Montessori International School (Hà Nội) giúp bé nâng cao sự hợp tác, sức mạnh, độ dẻo dai, sức khỏe và hệ miễn dịch cho con. Các bài tập động tác quyền đơn (đấm một tay), quyền đôi (đấm hai tay) đã đem lại cho trẻ sự hào hứng.

Các bé còn được hóa thân thành những đầu bếp tài ba và tự tay làm những cốc sữa chua mít ngon lành.

Giờ học mỹ thuật rất thú vị, cô giáo dạy vẽ tranh cầu vồng và các bé chăm chú lắng nghe.

Tác phẩm "Cầu vồng hy vọng" của bé Bảo Nghi (4 tuổi, Hà Nội) với thông điệp mong mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp sau Covid-19 được con thực hiện với sự hỗ trợ của cô giáo. Bé rất thích thú với tác phẩm này.

Tiết học tạo hình nằm trong lĩnh vực thẩm mỹ giúp bé thỏa sức sáng tạo. Giáo viên sẽ hướng dẫn các bé tái chế lại vỏ hộp sữa sau khi uống xong hoặc trang trí các vật dụng đơn giản thành những đồ dùng hàng ngày hoặc những đồ chơi cho bé. Tuy nhiên cũng thông qua hoạt động này, trẻ sẽ hình thành nhận thức về "tái chế" và bảo vệ môi trường.

Với sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của cô trò trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2 (TP HCM) đã biến các vỏ hộp sữa thành những mô hình xe, ngôi nhà, máy bay... đầy sắc màu.
Kim Uyên
Ảnh: Quỳnh Trần, Ngọc Thành, Lan Anh