Thứ sáu, 20/12/2024
Chủ nhật, 29/1/2017, 15:03 (GMT+7)

5 lễ hội mùa xuân được chờ đợi nhất thế giới

Lễ hội đèn lồng ở Trung Quốc, té nước ở Thái Lan hay rắc bột màu ở Ấn Độ là những hoạt động được chờ đợi nhất vào mùa xuân.

Lễ hội đèn lồng tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm được xem như sự kiện quan trọng và dài nhất của người Trung Quốc. Từ xa xưa, người Trung Quốc đã tin rằng đèn lồng có khả năng xua đuổi ma quỷ, mang lại bình yên và may mắn nên thường treo chúng tại cổng nhà và cửa hàng ngay trước thềm năm mới. Dần dần, nghi lễ này trở thành hoạt động lớn, khi đó, người dân sẽ mặc những bộ đồ màu đỏ, in hình hoa và đèn lồng để hy vọng một năm mới bình an, thịnh vượng. Ảnh: policymic.

Lễ hội té nước Songkran diễn ra vào tháng 4 hàng năm, kéo dài 3 ngày và thu hút một lượng lớn du khách đến với đất nước Chùa Vàng. Người Thái Lan tổ chức lễ hội Songkran để đón chào năm mới. Theo truyền thống, đây là dịp để gột rửa những điều không may của năm cũ, đón chờ một năm mới bình an và bày tỏ lòng tôn kính với gia đình, người lớn tuổi, thắt chặt mối quan hệ cùng làng xóm. Ảnh: Shutterstock.

Lễ hội Holi đầy màu sắc tổ chức ở miền bắc Ấn Độ được coi là lễ hội của tình yêu, gắn với nhiều hoạt động truyền thống như ca hát, nhảy múa. Đặc trưng của sự kiện này là người Hindu sẽ ném bột màu vào nhau, tạo nên những mảng màu đa sắc. Theo truyền thuyết, đây là dịp ăn mừng chiến thắng của cái thiện trước cái ác và bôi tro tàn từ lửa trại lên trán sẽ giúp bảo vệ con người khỏi quỷ dữ. Ảnh: Shutterstock.

Lễ hội hoa anh đào là đặc trưng của đất nước mặt trời mọc, diễn ra vào tháng 3-4 hàng năm. Thời điểm này, người Nhật sẽ trải bạt ngồi dưới gốc cây, nhâm nhi chén rượu sake truyền thống cùng người thân, bạn bè và ngắm những đoá anh đào rực rỡ. Ảnh: World travel.

Lễ hội Las Fallas ở Valencia, Tây Ban Nha chính thức bắt đầu vào ngày 1/3 hàng năm bằng màn bắn pháo hoa lúc 14h và kéo dài liên tục đến hết ngày 19. Trong dịp này, du khách có thể hoà mình vào không khí vui chơi rộn ràng với nhiều hoạt động sôi động, chiêm ngưỡng những con rối khổng lồ làm từ giấy, gỗ và sáp. Mỗi một tác phẩm có giá hàng chục ngàn USD, nội dung châm biếm và những phong tục lỗi thời trong xã hội. Ảnh: World travel.

Hải Thu

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net