Cháu bé ngụ huyện Bình Chánh, bị tai nạn cách đây hai tháng đứt lìa bàn chân phải. Người nhà để trực tiếp phần chi đứt lìa vào thùng đá, đưa đến bệnh viện. Bác sĩ bảo quản bàn chân trong túi nilon trước khi để vào đá lạnh, chuyển bé đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM vào giờ thứ hai sau tai nạn.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Đúc Minh Mẫn, Trưởng Khoa Chỉnh hình Nhi, quyết định vi phẫu nối lại bàn chân cho bé. Kíp mổ ghi nhận vết thương đứt lìa ngang khớp bàn chân phải, phần đứt lìa dính nhiều bụi đen.
Các bác sĩ trải qua 6 giờ cắt lọc sạch vết thương, cắt ngắn xương, sau đó dùng đinh kết hợp xương, khâu nối các mạch máu, khâu da. Bệnh nhi 5 tuổi, mạch máu rất nhỏ khiến ê kíp gặp nhiều khó khăn khi khâu nối siêu vi phẫu.
Ngày đầu sau mổ, các đầu ngón chân có dấu hiệu tím nhẹ, bàn chân sưng nhiều. Đây là triệu chứng gợi ý tắc tĩnh mạch. Ê kíp quyết định phẫu thuật thám sát lại mạch máu. Kết quả ghi nhận động mạch và tĩnh mạch lớn nối thông tốt nhưng hai tĩnh mạch nhỏ bị tắc. Bệnh nhi được nối ghép tĩnh mạch bị tắc, giúp máu lưu thông tốt. Cuộc mổ này đã giúp các ngón chân của cháu bé hồng ấm.
Sau mổ ngày thứ 5, bàn chân và ngón chân có dấu hiệu của sự sống nhưng da mặt lưng bàn chân nhiễm trùng, hoại tử da. "Nhiễm trùng ở bệnh nhi sau nối đứt lìa bàn chân là một vấn đề nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong nếu không tháo bỏ bàn chân đứt lìa", một bác sĩ trong kíp mổ nhận định.
Bác sĩ Võ Chiêu Tài, Khoa Chỉnh hình Nhi, quyết tâm giữ chân cho bé bằng mọi giá. Bác sĩ Tài phối hợp với kíp gây mê để mổ cắt lọc vùng da nhiễm trùng và cắt bỏ da hoại tử. Thành quả sau hai cuộc mổ cắt lọc, bàn chân của cháu bé được cứu sống.
Bé trải qua cuộc mổ ghép da, cũng là cuộc mổ lần 5, trong vòng một tháng, sau đó dần hồi phục xuất viện. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp hy hữu, mỗi năm bệnh viện chỉ tiếp nhận một vài ca.