Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí SAGE Open của nhà tâm lý học Robert G. Bringle (Đại học Indiana, Mỹ) và cộng sự, có 5 loại tình yêu đơn phương chính. Dưới đây là 5 kiểu tình yêu đơn phương được xếp hạng theo mức độ khó chịu tăng dần.
Tình yêu Parasocial
Parasocial relationship là kiểu tình cảm dành cho một người "không thể với tới", ví dụ người nổi tiếng hoặc nhân vật công chúng.
Nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Frontiers in Psychology cho thấy con người có thể phát triển sự gắn bó mạnh mẽ với nhân vật hư cấu và diễn viên, dù biết rằng mối quan hệ này sẽ không bao giờ được đáp lại.
Ngay cả khi có tương tác (chẳng hạn tại sự kiện ký tặng), mối liên kết vẫn một chiều và nông cạn. Điều này tạo ra nỗi đau tâm lý vì người hâm mộ đầu tư cảm xúc, trong khi người kia không hề biết đến sự tồn tại của họ.
Cảm nắng người gần gũi
Kiểu tình yêu này xảy ra khi bạn thích ai đó ở gần mình, như đồng nghiệp, bạn cùng lớp hoặc hàng xóm. Không giống tình yêu parasocial, ở đây có sự tương tác thực sự, dù không nhiều.
Vì gần gũi và gặp nhau thường xuyên, cảm xúc có thể trở nên mãnh liệt hơn. Tuy nhiên sự sợ hãi bị từ chối thường khiến người trong cuộc rơi vào vòng lặp bế tắc, không chắc liệu có nên bày tỏ hay không.
Chủ động theo đuổi
Đây là kiểu tình yêu khi bạn say mê ai đó và quyết định theo đuổi họ. Bạn có thể gửi những tín hiệu mình thích họ qua hành động, thậm chí trực tiếp bày tỏ. Tuy nhiên, đối phương có thể không nhận ra hoặc không đáp lại. Điều này khiến người theo đuổi đau khổ.
Trong một số trường hợp, mối quan hệ có thể chuyển thành tình yêu hai chiều, nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ sự hấp dẫn lẫn nhau, cam kết, mà như xã hội thường nói "duyên phận" của hai người.
Khao khát người yêu cũ
Một dạng khác của tình yêu không được đáp lại là ham muốn dai dẳng với người cũ. Khi một mối quan hệ kết thúc, đôi khi chỉ có một người sẵn sàng buông bỏ, còn người kia vẫn lưu luyến. Sự thân thuộc và gắn bó trong quá khứ khiến họ khó rời xa, nuôi hy vọng rằng tình yêu sẽ quay trở lại.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nhân cách của nhà tâm lý Stephanie S. Spielmann và cộng sự, chỉ ra sự khao khát này đôi khi không xuất phát từ tình cảm dành cho người cũ, mà từ nỗi sợ cô đơn.
Tình yêu không cân bằng
Ngay cả khi đang trong mối quan hệ, có thể xuất hiện sự chênh lệch về mức độ hoặc kiểu tình yêu giữa hai người. Sự bất cân đối này được chia thành hai loại.
Đầu tiên là bất đối xứng về lượng: Một người yêu nhiều hơn hoặc muốn tiến xa hơn trong khi người kia chưa sẵn sàng.
Thứ hai là bất đối xứng về chất: Hai người có nhu cầu khác nhau về các khía cạnh như đam mê, sự gắn bó, hoặc tình dục. Ví dụ, một người muốn nhiều đam mê, trong khi người kia tìm kiếm sự cam kết sâu sắc.
Nghiên cứu cho thấy loại tình yêu không cân bằng này gây ra nhiều đau khổ nhất vì có sự gắn kết, hy sinh và cam kết cao. Cảm xúc thường mãnh liệt và kéo dài hơn so với các loại tình yêu đơn phương khác.
Bảo Nhiên (Theo Psychology Today)