Một số chuyên gia đã kết luận có những điểm chung ở những đứa trẻ sau này thành người thành đạt: Giỏi điều chỉnh cảm xúc, tính tự giác cao, ít lo lắng, trầm cảm, thích thể thao và có nhiều bạn bè tốt.
Không đứa trẻ nào sinh ra đã là đứa trẻ ngoan, cũng như không có đứa trẻ nào sinh ra đã hư. Nguồn gốc tính cách cũng như sự thành công của một đứa trẻ ẩn giấu trong cách giáo dục gia đình. Lối sống, cách suy nghĩ, giáo dục của 5 kiểu cha mẹ sau đây sẽ tạo nên một đứa con xuất sắc, theo Sina.
1. Cha mẹ biết buông tay
Nhiều bậc cha mẹ luôn muốn dọn từng đường đi nước bước cho con cái, thậm chí đến học ngành gì, đại học nào, ra trường làm ở đâu... Họ bay lơ lửng trên đầu con như một chiếc trực thăng và liên tục dõi theo đứa trẻ, sẵn sàng dọn dẹp chướng ngại vật vì sợ con sẽ phạm sai lầm, sẽ tổn thương.
Có một điều rõ ràng cha mẹ có thể làm mọi việc cho con cái nhưng không thể lớn lên cùng con. Họ càng mong muốn lấp đầy tương lai trẻ thì càng ít khả năng trẻ đi theo con đường vẽ sẵn ấy. Nếu liên tục can thiệp thì bạn đã tước đi quyền tự phát triển của trẻ, làm chúng mất cơ hội độc lập. Bạn không biết rằng làm vậy đang tạo nên một "vòng kim cô", một khi hai bên không hài lòng đều cảm thấy nghẹt thở.
Những bông hoa trong nhà kính không thể chịu được gió và mưa. Trẻ em càng sớm tự lập, càng thành công. Hãy tin rằng không có đứa trẻ nào không thể thích nghi với việc tự lập, chỉ có cha mẹ là khó khăn buông bỏ.
2. Cha mẹ yêu thương nhau
Mối quan hệ vợ chồng tốt thì sẽ tạo ra quan hệ với con cái lành mạnh. Ông Theodore Hesburgh, Chủ tịch Đại học Notre Dame (Mỹ) từng nói: "Điều quan trọng nhất mà người cha có thể làm cho các con mình là yêu mẹ của chúng. Điều tốt nhất của người mẹ dành cho con cái là đánh giá cao và ngưỡng mộ cha của chúng".
Khi người vợ nhận được tình yêu của chồng thì sự quyến rũ của người phụ nữ tự nhiên sẽ bộc lộ. Khi người vợ ngưỡng mộ chồng, các ông bố tự nhiên trở thành "anh hùng" bảo trợ trái tim con. Lớn lên trong gia đình ngập tràn ánh sáng hạnh phúc, đứa trẻ không chỉ lạc quan mà còn tin vào tình yêu, dễ dàng thể hiện tình yêu vì chúng biết tình yêu là thứ không cần phải tính toán. Chúng cũng dũng cảm, tự tin vì biết rằng nhà luôn là nơi trú ẩn an toàn của mình.
Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình bất hòa dễ sinh ra cảm giác mất an toàn, bạo lực, bất mãn cuộc sống.
3. Cha mẹ giỏi kiềm chế cảm xúc
Theo khảo sát 90% cha mẹ có nỗi lo lắng khi nuôi dạy con: Làm thế nào để giao tiếp tốt hơn với con cái? Nếu tôi không có thời gian dành cho con thì sao? Tôi nên làm gì với thành tích học tập của con?...
Chính những lo lắng khiến cha mẹ không thể quản lý tốt cảm xúc của họ. Khi thường xuyên mệt mỏi, lo lắng thì họ sẽ nhạy cảm, dễ mất bình tĩnh và cáu gắt.
Một đứa trẻ ở trong môi trường cảm xúc tiêu cực của người lớn một thời gian dài, một mặt chúng sẽ bị ảnh hưởng, trở nên hung bạo, nóng nảy. Mặt khác chúng không cảm nhận được tình yêu, sự chăm sóc của cha mẹ, gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống.
Nếu cha mẹ giỏi kiềm chế cảm xúc của mình thì đứa trẻ cũng là người giỏi quản lý cảm xúc. Khi đối mặt với vấn đề, đứa trẻ sẽ dùng cái đầu suy nghĩ thay vì để cảm xúc dẫn dắt.
Hãy tin rằng nếu bạn mang gió, mưa, u sầu, tối tăm và bi quan cho con bạn, thì chúng cũng sẽ đáp lại với gió, mưa, u sầu, bóng tối và bi quan; nếu bạn mang đến niềm vui, ánh sáng và tiếng cười thì con cũng có một cuộc đời như vậy.
4. Cha mẹ nói điều tích cực
Hoạ sĩ biếm hoạ nổi tiếng Jimmy nói: "Trẻ em thà bị đâm bởi xương rồng còn hơn là nghe lời chế giễu của người lớn. Ít nhất những vết sẹo còn được nhìn thấy, còn vết thương do la mắng là vô hình".
Bạo lực ngôn ngữ mặc dù không gây thương tích thể xác nhưng tàn tích để lại có khả năng ảnh hưởng đến hết cuộc đời đứa trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy đứa trẻ bị cha mẹ trách móc từ nhỏ đã luôn có tâm lý bất an, nhạy cảm và nghi ngờ khi lớn lên.
Một gia đình dạy con bằng lời lẽ tích cực sẽ mang đến cho trẻ môi trường tràn đầy năng lượng và hòa bình thời thơ ấu, giúp trẻ tự tin phát triển bản thân và tự do trong tâm trí.
5. Cha mẹ thích đọc sách
Theo một khảo sát của Viện Hàn lâm khoa học giáo dục Trung Quốc, trong thời gian rảnh rỗi, cha mẹ đọc sách, báo thì tỷ lệ trẻ em có điểm xuất sắc cao hơn. Xã hội hiện nay, đọc sách không phải là gì cao siêu mà là kỹ năng cơ bản mọi đứa trẻ cần. Nếu muốn con mình thành công hãy nuôi dưỡng thói quen này từ nhỏ. Những đứa trẻ trúng tuyển các đại học top đầu đều có điểm chung là đọc sách.
So với nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, đọc sách vẫn luôn là cách hiệu quả nhất tăng kiến thức cho trẻ. Mỗi bậc cha mẹ nên đọc nhiều để tạo ra sự giác ngộ cho con. Tất nhiên không dễ để buộc một đứa trẻ ngồi xuống đọc nhưng hầu như đứa trẻ nào cũng thích bắt chước hành vi của người lớn.
Bảo Nhiên