Kiến nghị được Công đoàn Y tế Việt Nam gửi Ban Tuyên giáo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hôm 31/5. Đây là 5 vấn đề tồn tại của ngành y tế nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục.
Theo đó, công đoàn đề nghị nâng hệ số lương khởi điểm của bác sĩ từ 2,34 lên 2,67 - tức tăng một bậc. Lý do là hệ số lương hiện nay chưa tương xứng với thời gian đào tạo, cường độ lao động cao của y bác sĩ. Bác sĩ phải mất 6 năm để học tập, sau khi tốt nghiệp tiếp tục thực hành 18 tháng mới được hưởng hệ số lương bậc 1 là 2,34. Trong khi đó, bác sĩ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh truyền nhiễm, vi sinh, hóa chất độc hại, phóng xạ, dịch tiết, máu, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao.
Bản kiến nghị không nêu cụ thể mức lương khởi điểm trung bình của y bác sĩ, song cho biết "lương không đủ trang trải cuộc sống, áp lực, gánh nặng trong công việc, việc làm thêm, dẫn tới người lao động suy giảm thể chất và tinh thần".
Về phụ cấp, công đoàn đề xuất nâng mức phụ cấp từ 20-70% hiện nay lên 100%, mở rộng nhóm người được hưởng phụ cấp. Nguyên nhân là nhiều nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện phải thường xuyên tiếp xúc mầm bệnh nhưng không được hưởng phụ cấp.
Hồi cuối năm 2021, trong một nghiên cứu, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam từng đưa ra đánh giá tương tự về tiền lương nhân viên ngành y. Theo đó, tiền lương trung bình thực tế của nhân viên y tế công lập khoảng 7,36 triệu đồng. Gần 81% nhân viên y tế tham gia khảo sát cho biết "không đủ tiền sinh hoạt phí trong đại dịch Covid-19".
Về bậc lương, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết chức danh nghề nghiệp của các cán bộ y tế được phân thành 3 hạng: hạng một dành cho cán bộ cao cấp, hạng hai là sơ cấp và hạng ba là người có trình độ chuyên môn thấp hơn. Nhân viên y tế cao cấp tương đương công chức hạng A3, ví dụ nhóm A3.1 có hệ số lương từ 6,2 đến 8. Nhân viên y tế cơ sở tương đương công chức hạng A2, nhóm A2.1 có hệ số lương từ 4,4 đến 6,78. Những người có trình độ chuyên môn thấp hơn thì tương đương công chức hạng A1, hệ số lương từ 2,34 đến 4,98. Hiện mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng.
Đối với chính sách chung, Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng khung giá viện phí hiện nay chỉ mới tính được 4/7 yếu tố cấu thành. Thực tế này gây khó khăn cho các bệnh viện khi chi trả lương cho cán bộ y tế trong bối cảnh phải tự chủ hoàn toàn, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến lượng bệnh nhân đi khám sụt giảm, trong khi đó các khoản theo chính sách chế độ phòng chống Covid-19 thì chậm chi trả. Do đó công đoàn kiến nghị nên tính đủ các yếu tố cấu thành giá viện phí.
Bản kiến nghị cũng không nêu cụ thể về giá viện phí áp dụng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một chuyên gia luật y tế (không muốn nêu tên) cho biết 7 yếu tố cấu thành giá viện phí gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hiện nay, viện phí chưa tính 3 yếu tố gồm chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo khoa học, khiến nhiều hoạt động của bệnh viện phải cắt giảm.
Ngoài ra, công đoàn kiến nghị áp dụng thêm chính sách thâm niên nghề, thu hút nhân sự cho ngành đặc thù. Họ cho rằng hiện nhân viên y tế không được hưởng chính sách thâm niên nghề. Các ngành đặc thù như hồi sức cấp cứu, tâm thần chữa bệnh phong, lao, HIV/AIDS... khó tuyển dụng, thiếu hụt bác sĩ, giám định viên... Các công việc này có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ nhưng chưa có cơ chế thu hút lao động, nguy cơ không thiếu nhân lực chất lượng cao.
Chi Lê