Hai cán bộ trực tiếp chấm thi là thày Nguyễn Thượng Võ - cựu giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam và cô Hà Thị Duyên - Giáo viên trường THPT Marie Curie. Kết quả, em Ngô Đặng Hải đạt điểm cao nhất: 8,25 điểm. Nguyễn Minh Thắng và Phạm Tiến Long đều được 8 điểm. Em Hoàng Minh Sơn và Lê Nguyễn Vương Linh đạt 7,75 điểm.
![]() |
Thày Phương và 5 học sinh tham gia giải đề. Ảnh: Tiền Phong |
Thày Nguyễn Thượng Võ nhận xét, các em làm bài tốt, có tư duy, có những câu làm sáng tạo, không theo phương án của Bộ đưa ra mà vẫn đúng. Đề Toán khối B “moi” kiến thức từ lớp 9 đến lớp 12 nên nếu không có gốc sẽ không thể làm bài tốt.
“Tôi chấm theo thang điểm của Bộ công bố, không chiếu cố. Tôi rất mừng vì đó là kiến thức thực chất, không phải các em làm bài như cái máy. Ban đầu, tôi không nghĩ các em đạt được điểm như thế, không ít học sinh của tôi luyện thi nhiều năm mà cũng chưa được 8 điểm”, thày Võ nói.
Tuy vậy, theo thày Võ, do các em chỉ là học sinh lớp 6 nên câu chữ, cách diễn giải chưa được hoàn chỉnh như các anh chị lớp 12. Đồng tình với quan điểm trên, cô Hà Thị Duyên nói thêm: “Các em làm đầy đủ các ý trong đề nhưng mất điểm trong phần tính toán. Phần bất đẳng thức và phần hình học các em làm rất tốt”.
Thày Trần Phương, người trực tiếp dạy nhóm học sinh trên cho biết: “Lúc đầu, tôi thấy đề Toán khối B khó nên hơi lo. Tôi chỉ mong các em làm được 6 điểm. Thế nhưng, có em đạt được 8,25 điểm là kết quả rất tốt. Tôi rất hài lòng, đặc biệt là với bài bất đẳng thức, các em làm với nhiều cách khác nhau và có cách không giống đáp án của Bộ GD&ĐT".
Chị Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Toán THPT Hoàn Kiếm (Hà Nội), mẹ em Ngô Đặng Hải cho biết, các cháu học lớp Toán của thày Phương một tuần chỉ có một buổi, giống như là chơi điện tử. Ở nhà, Hải cũng không mất nhiều thời gian học Toán.
"Gia đình không đặt ra tham vọng hay gây áp lực lên cháu. Chúng tôi muốn để cho cháu học và phát triển một cách tự nhiên. Hiện, cháu còn quá nhỏ để đề ra những kế hoạch lớn lao", vị phụ huynh này cười nói.
(Theo Tiền Phong)