Dịch Covid-19 trong 2020 khiến thị trường ôtô Việt Nam có nhiều xáo trộn, đặc biệt về thị phần giữa các hãng cũng như doanh số suy yếu. Nhưng điều đó cũng không ngăn nhiều thương hiệu cũ tái xuất Việt Nam với nhiều hy vọng mới, đặc biệt sau giai đoạn kinh doanh không mấy thành công dưới tay các nhà phân phối cũ.
Sự trở lại của Jeep tại Việt Nam muộn nhất trong 5 thương hiệu, nhưng không quá náo nhiệt. Những chiếc xe Mỹ thiết kế cơ bắp, lực lưỡng âm thầm cập cảng phía nam. Mọi thông tin về màn tái xuất của Jeep rất ít ỏi. Khi showroom trên một tuyến đường lớn tại quận 7 hôm 19/12 sáng đèn, bên trong là hai mẫu SUV Wrangler, bán tải Gladiator, người đi đường mới nhận ra thương hiệu được biết đến nhiều thông qua những chiếc xe quân sự trong quá khứ, nay đã trở lại với hình hài mới.
Mức giá thấp nhất gần 3 tỷ đồng cho một chiếc xe nhập Mỹ, ngoại hình đủ điều kiện "không đụng hàng" khi di chuyển trên đường, khiến nhiều người thích thú xen lẫn boăn khoăn. Xe lạ, giá cũng lạ.
Lạ ở chỗ, những chiếc Jeep Wrangler hay Gladiator hiếm thấy trên đường phố nếu so với số lượng của xe Hàn, Nhật, Mỹ hay Đức. Nếu khách yêu thích chất nam tính kiểu Mỹ hay di sản của những chiếc xe Jeep trong quá khứ về sự bền bỉ, mạnh mẽ, mức giá của Jeep Wrangler hay Gladiator không trở nên vô lý. Thậm chí nếu nhìn vào những chiếc Toyota RAV4 với ghế nỉ, chỉnh cơ giá 2,6 tỷ, hay chính vài chiếc Jeep Gladiator gần 4 tỷ nhập tư nhân trước đây, không ít người chấp nhận trả giá cho đam mê của mình dù nó không tương đồng với số đông.
Dẫu vậy, nhà phân phối kỳ vọng doanh số 180 xe mỗi năm, đồng nghĩa với việc cần sự đa dạng sản phẩm cũng như chiến lược giá hấp dẫn hơn. Khách mê Jeep không muốn sự trở lại lần này tiếp tục là một cuộc dạo chơi của thương hiệu đầy chất riêng.
Ở tuyến đường song song dẫn vào khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP HCM) hình thành một thủ phủ showroom chính hãng: Mercedes, Ferrari, Subaru, Lamborghini, Aston Martin, Bentley, Ducati, Volvo. Trong số này còn thiếu một cái tên từ Pháp, Renault.
Vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ Renault cho giới truyền thông về sự trở lại của thương hiệu châu Âu từng xuất hiện tại Việt Nam, nhưng hai mẫu Arkana giá từ 999 triệu đồng và Captur giá 799 triệu đồng đang âm thầm bán ra. Dẫn dắt Renault là một nữ tướng quen thuộc trong ngành xe. Bà nói rằng đang có những kế hoạch riêng cho Renault, tập trung vào các mẫu xe gầm cao kèm mức giá hợp lý cho khách hàng phổ thông thay vì tiếp tục kiểu tiếp cận "trên xe Hàn, Nhật một bậc" như nhà phân phối cũ.
Lần bắt tay của Renault với nhà phân phối cũ đã để lại nhiều tiếc nuối. Dải sản phẩm ít đổi mới, cách định giá khá cao so với mặt bằng chung khiến thương hiệu Pháp dần mất tích trên thị trường Việt. Renault là thương hiệu ôtô phổ thông duy nhất hiện được CT Wearnes phân phối, bên cạnh Lamborghini, Bentley, Aston Martin.
Âm thầm như Jeep trong lần bắt tay nhà phân phối mới nhưng với danh tiếng của mình, Rolls-Royce đủ khiến nhiều người tò mò, rằng cái tên nào trong làng xe sẽ mang trọng trách bán các sản phẩm được ví như "một tác phẩm nghệ thuật".
S&S Automotive thành lập hồi tháng 10, sẽ là đối tác mới của hãng siêu sang Anh quốc. Dù tuổi đời non trẻ nhưng đứng đằng sau công ty này là S&S Group, một thương hiệu có kinh nghiệm 10 năm chuyên phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam như đồng hồ, trang sức, thời trang, mỹ thuật.
Một trong những lý do hãng xe Anh quốc chia tay Regal Motors là sự đồng điệu về định hướng kinh doanh giữa hai bên không có. Rolls-Royce muốn mở rộng hoạt động kèm showroom mới ở TP HCM, thành phố năng động bậc nhất nước, trong khi nhà phân phối cũ có hướng đi khác, showroom vẫn muốn duy trì ở Hà Nội.
Tuy vậy, phải đến quý II/2021, showroom ở Sài Gòn của Rolls-Royce dự kiến mới đi vào hoạt động, trong khi khách hàng có thể đặt xe bây giờ. Ở lần thay đối tác kinh doanh này, hãng xe Anh quốc dường như muốn nhiều hơn, đi nhanh hơn. Còn ở khía cạnh sản phẩm, cách tiếp cận khách hàng gần như không thay đổi, mặc địch và là triết lý xuyên suốt của hãng, nơi Rolls-Royce đáp ứng mọi yêu cầu của chủ nhân miễn là họ chi tiền một cách vui vẻ.
Là một trong nhiều thương hiệu nội địa rời xa "bầu sữa mẹ" Anh quốc, MG Motor thậm chí còn lưu lạc xa hơn Rolls-Royce (sở hữu bởi BMW, Đức). Hãng hiện thuộc quyền quản lý của công ty công nghiệp ôtô Thượng Hải, SAIC (Trung Quốc), thương hiệu này hiện hoạt động khá mạnh tại Thái Lan và Indonesia. Hồi 2012, MG từng bán xe ở Việt Nam rồi âm thầm rút lui. 8 năm sau, MG tái xuất.
Hồi tháng 7, khi MG công bố hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với hai sản phẩm đầu tiên ZS và HS lần lượt ở phân khúc xe gầm cao hạng B, C, điều rất nhiều người quan tâm không phải giá bán, trang bị của xe bao nhiêu mà là nguồn gốc. MG là xe Anh hay xe Trung Quốc?
Câu trả lời không quá khó hay phức tạp như những tranh cãi trên mạng xã hội. MG là thương hiệu xe Anh nhưng được vận hành bởi người Trung Quốc. Điều quan trọng là chất lượng mang đến cho người dùng kèm mức giá hợp lý như thế nào. Volvo (Thụy Điển) cũng được vận hành bởi Geely (Trung Quốc) và gặt hái những thành công vượt bậc về doanh số. Định vị "an toàn nhất thế giới" của Volvo ngày càng đậm nét hơn.
MG giống trường hợp của Volvo nhưng ở phân khúc phổ thông, nơi đòi hỏi về công nghệ, trang bị an toàn ít hơn dễ khiến khách hàng soi xét kỹ. Điều đó cũng phản ánh tâm lý "cẩn trọng" với sản phẩm xuất xứ Trung Quốc của người Việt. Hai mẫu xe của MG hiện lắp ráp và nhập khẩu từ đại lục. Cuối 2020, đầu 2021, nhà phân phối Tan Chong đặt mục tiêu lắp ráp xe MG tại nhà máy của hãng ở Đà Nẵng, nơi từng lắp các mẫu xe của Nissan.
Bài toán của MG, ngoài thiết kế và trang bị, hãng trước tiên phải thắng và chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng. Nếu thế, hãng cần thêm thời gian.
Bắt tay với MG, Tan Chong đồng thời chia tay mối lương duyên với Nissan sau nhiều năm gắn bó. Công ty VAD trở thành nhà phân phối mới. Hãng mang Navara bản mới về bán tại Việt Nam, trong khi các dòng xe của nhà phân phối cũ vẫn đang trong giai đoạn dọn kho.
Công bố hoạt động từ tháng 9 nhưng có lẽ từ 2021, những mẫu xe mới của Nissan mới dạm ngõ thị trường Việt Nam. Hiện chưa có thông tin nào về việc liệu VAD có lắp ráp xe Nissan hay chỉ dựa hoàn toàn vào hình thức nhập khẩu.
Hệ thống đại lý tiếp quản từ nhà phân phối cũ và có kế hoạch mở rộng thêm cho thấy tham vọng của VAD. Tuy nhiên những bước đi cụ thể hơn vẫn chưa xuất hiện.
Thành Nhạn