Tại khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, thợ điện Đào Trọng Tiếp ở Mỹ Đức, Hà Nội, nạn nhân vụ hỏa hoạn tối 15/12 tại tòa nhà 33 tầng phố Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng. Khoảng 16h30, anh đang ở tầng 30 bỗng thấy khói nghi ngút. Điện tắt, trong nhà tối om. Các công nhân í ới gọi nhau chạy xuống dưới, nhưng được mấy tầng phải lộn ngược lên tầng áp mái vì khói nhiều quá.
"Khoảng 18 người cùng chạy lên tầng áp mái với tôi, ai cũng hoảng loạn, người khóc, người đòi nhảy xuống đất, người gọi điện thoại cho gia đình", anh Tiếp chia sẻ.
Tòa nhà 33 tầng đang hoàn thiện, tầng áp mái không có nước, nên mọi người tìm đủ cách chống chọi khói độc. "Có người tè ra khẩu trang, tôi thì nhổ nước bọt ra khẩu trang để bịt mũi. Lúc đấy tôi chỉ nghĩ may ra có trực thăng mới cứu được", anh Tiếp nói.
Sau 3 giờ chống chọi, khoảng 19h30, anh Tiếp nằm trong nhóm đầu tiên được đưa ra khỏi tòa nhà bằng ròng rọc. "Đặt chân xuống đất mới biết mình sống rồi. Tuy nhiên, tôi đã bị ho, khó thở", người công nhân 30 tuổi kể lại.
Bà Xây tưởng đã không sống sót sau vụ cháy. Ảnh: N.P. |
Cũng suýt chết ngạt vì khói độc của tòa nhà, bà Trương Thị Xây, 53 tuổi, quê Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) kể, lúc xảy ra hỏa hoạn, bà đang làm vệ sinh ở tầng 4. Khi đi xuống cầu thang thì thấy khói bao phủ, không nhìn thấy đường, bà phải lần mò cầu thang đi lên được đến tầng 7 thì ngất xỉu. Khi được giải cứu, mặt mũi quần áo bà Xây đen kịt.
"Lúc đấy tôi hoảng lắm, không nghĩ được gì, chỉ mong chạy nhanh nhất có thể. Mặt bịt khẩu trang, tay đang cầm nước, nhưng tôi không nhớ ra là phải đổ nước ra khẩu trang để bịt mũi chống khói độc. Tôi đã nghĩ mình chắc chết, chứ không sống nổi", bà Xây nói.
Là người được đưa ra sau cùng (khoảng 21h30), anh Đặng Hồng Khanh, 30 tuổi, quê Thái Bình kể, đang làm ở tầng 23, vì đã muộn nên anh kêu anh em thu dọn đồ. Bỗng trời tối sầm lại, nghĩ có máy bay bay qua, nhưng hóa ra là khói. Chạy xuống tầng dưới, anh gặp mấy anh em kêu chạy lên tầng áp mái.
"Trèo hai mươi mấy tầng, không còn hơi sức, có người phải bò mới lên được. Thấy có không khí, có gió, biết mình có cơ hội sống nên tôi cũng không gọi cho người thân vì sợ người nhà lo lắng", người đàn ông mới cưới vợ chia sẻ.
Khi cứu hộ tiếp cận được bằng ròng rọc, họ đã chuyển nước, khăn ướt lên cho anh em. Sau đó cứ 5 người xuống một lần, ưu tiên người cao tuổi, người yếu xuống trước. Lúc bớt khói, anh Khanh cùng 10 người theo hướng dẫn của cứu hộ đi cầu thang bộ xuống.
Đôi bàn tay ông Lung vẫn đen kịt. Ảnh: M.P. |
Mặc cho hai hàng nước mắt tuôn ra từ đôi mắt đỏ hoe, ông Nguyễn Văn Lung (Thanh Hóa) mếu máo thông báo với con gái và gia đình ở quê rằng mình vẫn sống và hiện đã ổn. Ông hẹn Tết về sẽ thịt bò để ăn mừng rồi vụng về đưa bàn tay cáu đen vì khói lên lau nước mắt.
Tối qua, trong lúc đang chuẩn bị sơn sàn dưới tầng hầm bỗng ông Lung nghe tiếng nổ nhỏ, rồi một luồng khí lạnh thổi xuống. Ngay sau đó là đám khói đen kịt dày đặc chiếm lấy khoảng không. Điện phụt tắt, mọi người hoảng loạn tìm lối thoát.
Bố con ông í ơi gọi tìm nhau trong bóng tối để chạy. Do không gần cầu thang bộ nên hai bố con phải lòng vòng một một lúc mới tìm được đường đi. Do bị kẹt bên dưới khá lâu nên người hai bố con bị ám đen kịt, chỉ còn nhìn thấy đôi mắt và hàm răng. Kiệt sức và khó thở, hai người vẫn cố ôm lấy nhau vì biết đã thoát chết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn, tối 15/12 Khoa tiếp nhận 27 bệnh nhân. Trong số này đã có quá nửa ra viện, chỉ còn lại 11 người. Những bệnh nhân này bị ho, khó thở, khạc đờm, đau ngực..., nghi bỏng hô hấp nên phải ở lại chụp chiếu, điều trị tiếp.
Khoảng 16h chiều 15/12, tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên phố Cửa Bắc đang trong giai đoạn hoàn thiện bốc cháy dữ dội. Khói bốc lên từ tầng hầm, sau đó theo cầu thang bộ, hệ thống ống kỹ thuật, ống rác... bao trùm toàn bộ tòa nhà. Lúc đó tòa nhà có khoảng 40 công nhân đang làm việc rải rác tại các tầng. Khoảng 600 người gồm cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bộ đội đặc công của Bộ tư lệnh Thủ đô được huy động đến hiện trường khống chế đám cháy và giải cứu nạn nhân. Tuy nhiên do tòa nhà cao, xe thang không tới nên lực lượng cứu hộ phải sử dụng ròng rọc để vận chuyển nạn nhân từ các tầng cao xuống. |
Song Phương