Ngôi nhà của gia đình bà Phùng Thị Hồng, xã Thạch Hòa, huyện huyện Thạch Thất nằm lọt thỏm trên mảnh đất rộng cả nghìn mét vuông, xung quanh cây cối bao phủ. Cạnh đó là mấy lán trại nuôi gà và chim bồ câu.
Bà Hồng kể khu vực này trước đây có hơn 100 hộ dân, nhưng họ lần lượt rời đi khi chính quyền giải phóng mặt bằng để xây hạ tầng đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Chỉ còn gia đình bà và một số hộ chờ mãi nhưng "chưa đến lượt".
"Địa chính xã mấy lần xuống đo đạc. Chính quyền không thông tin đền bù, chẳng nói thời gian di dời. Họ chỉ dặn gia đình không được phép xây dựng gì", bà Hồng lý giải việc bốn người trong gia đình phải sống lay lắt trong căn nhà ngói rộng chừng 20 m2 được xây dựng cách đây 20 năm.
Bà bảo giá như mảnh đất không trong quy hoạch, gia đình sẽ bán đi một nửa để lấy tiền xây lại căn nhà, "chứ ở mãi thế này khổ cực quá".
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 40 km, Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh (cùng Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên) với diện tích hơn 17.000 ha, theo quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 (quy hoạch 1259) cách đây 12 năm.
Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng riêng, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ. Hình thành sớm nhất trong 5 đô thị vệ tinh, Hòa Lạc được định hướng phát triển công nghệ cao với 7 khu vực chức năng, trong đó có hai phân khu quan trọng gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao.
Tuy nhiên, qua hơn một thập kỷ, Hòa Lạc chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp công nghệ. Trung tâm đô thị - khu công nghệ cao vẫn đang ngổn ngang nhiều công trình xây dựng và còn tới 176 ha chưa giải phóng mặt bằng trên tổng số 600 ha. Phần diện tích đã giải phóng mặt bằng và đầu tư xong hạ tầng mới đưa vào khai thác khoảng 10%. Khu Đại học Quốc gia Hà Nội được phê duyệt năm 2013 với diện tích khoảng 1.000 ha, quy mô 65.000 sinh viên, nhưng mới xây dựng 5 tòa nhà và tiếp nhận 1.500 sinh viên học tập.
Các đô thị vệ tinh còn lại đến nay có rất ít dự án nhà ở, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ được triển khai. Sóc Sơn, Phú Xuyên có tỷ lệ đô thị hóa chậm, đất nông nghiệp chiếm trên 40%. Các dự án đã được phê duyệt trước khi có quy hoạch 1259 vẫn nằm im vì phải chờ quy hoạch phân khu, chưa kể nhiều dự án vướng mắc đền bù nên việc tái định cư cho người dân vẫn nằm trên giấy.
Hà Nội từng kỳ vọng 5 đô thị vệ tinh hình thành với quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 700.000 và năm 2030 từ 1,3 đến 1,4 triệu. Tuy nhiên, đến nay các đô thị này chưa thể hiện được vai trò giãn dân, giảm tải hạ tầng cho khu vực trung tâm, trong khi dân số Thủ đô đã tăng lên gần 8,5 triệu, vượt ngưỡng dự báo hơn một triệu.
Vì sao quy hoạch "treo"?
Theo lãnh đạo Hà Nội, việc chậm lập quy hoạch chung và quy hoạch phân khu là nguyên nhân chính khiến tiến độ hình thành 5 đô thị vệ tinh chậm trễ. Năm 2015, bốn năm sau khi có quy hoạch chung Thủ đô, các đô thị vệ tinh Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Sơn Tây mới được thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000; còn đô thị vệ tinh Hòa Lạc được Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch chung năm 2020.
Bước tiếp theo là triển khai quy hoạch phân khu để phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tỷ lệ 1/2.000. Đến nay mới có khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và Phú Xuyên hoàn thành quy hoạch phân khu, còn Sơn Tây, Sóc Sơn và Hòa Lạc chưa được phê duyệt.
Do chưa có quy hoạch phân khu nên các dự án đầu tư không có đủ cơ sở pháp lý thực hiện, chỉ có một số dự án phù hợp quy hoạch chung tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, khu Đại học Quốc gia Hà Nội được triển khai.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc chậm lập quy hoạch chung và phân khu tại các đô thị vệ tinh ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. "Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn khởi nghiệp tại đô thị vệ tinh, do giá đất rẻ hơn nội đô, đã phải chờ đợi thời gian dài", ông Nghiêm cho hay.
Lý giải việc việc chậm quy hoạch phân khu, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng do khó khăn trong lựa chọn đơn vị tư vấn vì phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu với quy trình, thủ tục phức tạp.
Tháng 5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đô thị vệ tinh Hòa Lạc được định hướng là một phần của thành phố phía Tây (Hòa Lạc - Xuân Mai), đô thị vệ tinh Sóc Sơn được định hướng là một phần của thành phố phía Bắc (Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn).
Do vậy, Hà Nội phải đánh giá lại hướng phát triển của hai đô thị vệ tinh này để đảm bảo phù hợp với các thành phố mới và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang nghiên cứu.
Ngoài lý do nêu trên, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chỉ ra hạ tầng giao thông giữa nội đô và đô thị vệ tinh chưa được đầu tư khiến các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên bị biệt lập, khó thu hút dân. Hiện trừ Hòa Lạc có tuyến đại lộ Thăng Long kết nối, các tuyến đường nối đô thị trung tâm đến 4 đô thị vệ tinh còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, hoặc xây dựng cao tốc.
Tây Thăng Long được kỳ vọng là trục xương sống tập trung các trung tâm thương mại, kinh tế, tài chính nối từ Hồ Tây đến Ba Vì chưa thành hình. Đường đến đô thị Phú Xuyên chỉ có quốc lộ 1A cũ; đến đô thị Xuân Mai chỉ có quốc lộ 6; đến Sơn Tây mới có quốc lộ 32.
Với mật độ phương tiện lớn, các tuyến đường này đều không phải cao tốc nên thường xuyên ùn tắc. Tuyến đường sắt đến các đô thị vệ tinh chưa được triển khai, hiện Hà Nội mới có một tuyến trong nội đô từ Hà Đông đến Cát Linh.
Lý giải việc chậm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, ông Trần Ngọc Chính nhận định Hà Nội còn rất nhiều lĩnh vực cần ưu tiên như giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật nên rất khó bố trí ngân sách cho xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh.
Ngoài ra, thành phố cũng chưa xây dựng được chính sách thu hút các dự án đầu tư như ưu đãi giá đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... "Các nhà đầu chưa nhận thấy tiềm năng khi đầu tư vào các khu vực này do hạ tầng khung chưa hoàn chỉnh. "Họ không đến thì các đô thị chưa phát triển và tạo ra việc làm để thu hút lao động, dân cư", ông Chính phân tích.
TS Đào Ngọc Nghiêm cũng đánh giá các lợi ích kinh tế mang lại cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại đô thị vệ tinh chưa hấp dẫn, khả năng thu hồi vốn chậm nên nguồn vốn ngoài ngân sách chưa phát huy.
"5 đô thị vệ tinh đã có định hướng và xác định quy mô cụ thể, song thực tiễn không thành hình do Hà Nội vừa không có kinh phí vừa không có cơ chế chính sách", ông Nghiêm nói và đề xuất thành phố cần chuyển định hướng ngân sách giảm đầu tư trong nội đô, tăng đầu tư ngoại thành, ưu tiên cho các đô thị vệ tinh.
Trong khi chờ các quy hoạch được phê duyệt, dự án được triển khai, gia đình bà Phùng Thị Hồng vẫn phải sống trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp, thường xuyên bị côn trùng tấn công, mỗi khi mưa xuống lại ngập.
Đoàn Loan - Võ Hải - Phạm Chiểu