1. Đi bộ quan trọng hơn lái xe
Khi còn trẻ, chúng ta muốn sống trong một ngôi nhà lớn, lái một chiếc xe sang và đi du lịch càng nhiều càng tốt. Vì thế chúng ta lao làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm.
Nhưng đi quá nửa cuộc đời, nhiều người nhận ra đi bộ quan trọng hơn lái xe. Có nghĩa dù vật chất có bao nhiêu cũng không thể so sánh với một cơ thể khỏe mạnh. Tuổi 50, cơ thể đang dần xuống dốc và đi bộ là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe.
Khoa học đã chứng minh, đi bộ có thể vận động cơ bắp, xương khớp, rèn luyện thân thể, kéo dài tuổi thọ. Nó cũng có thể khai thông khí huyết; tăng cường tim, phổi; làm cho con người hạnh phúc thể chất lẫn tinh thần.
Những thay đổi tích cực và kỳ diệu có thể xảy ra ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy. Nửa đời sau, đi được thì không lái, đứng được thì đừng ngồi, hãy chăm sóc cơ thể thật tốt. Nếu bạn đi bộ nhiều hơn, sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện, do đó bạn có thể tận hưởng tuổi già một cách thoải mái.
2. Đọc quan trọng hơn nói
Có thể tuổi trẻ bạn thích huyên thuyên về nhiều thứ mình biết. Về già, bạn có thể khám phá ra "thà học một cách khiêm tốn, còn hơn nói một cách khoa trương". Dù nói nhiều đến đâu cũng chỉ làm tăng thêm sự xô bồ, quấy nhiễu sự yên tĩnh của người khác và làm chậm trễ việc tiếp thu của chính mình. Cách tốt nhất để làm giàu cho bản thân là im lặng, nói ít lại, đọc và tự học nhiều hơn.
Nhất là sau 50, nhiều người hiểu ra rằng "đọc nhiều thì bớt bị ghét". Bạn càng đọc, càng trở nên minh bạch và có thể hóa giải những rắc rối trong cuộc sống. Đọc có thể không đổi được số phận, nhưng chắc chắn bạn sẽ gặp được một bản thân tốt hơn.
3. "Tam quan" quan trọng hơn "ngũ quan"
Khi một người đến tuổi 50, tóc bạc dần, nếp nhăn trở nên dài và rõ. Nhưng càng đi càng thêm tuổi, sẽ càng nhìn thấu cuộc đời. Sau năm mươi tuổi, "tam quan" của một người quan trọng hơn "ngũ quan".
Tam quan là được cấu thành từ ba yếu tố gồm: Thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan. Còn ngũ quan là chỉ 5 bộ phận trên khuôn mặt người gồm mắt, mũi, miệng, tai và lông mày.
Người tuổi 50 đề cao sự suy nghĩ, nhận thức hơn vẻ bề ngoài. Đầu tiên là quan niệm về tuổi tác: nếu không nghĩ đến già thì sẽ không già. Tuổi tác không được định nghĩa bởi con số mà là một trạng thái của tâm trí.
Thứ hai quan niệm về danh lợi: học cách buông bỏ. Nửa đời đầu dốc lòng vì danh lợi, chỉ quan tâm đến vinh hoa phú quý. Về già bạn sẽ nhận ra danh lợi như khói, phú quý như mây, sống tự do tự tại mới là chân lý ở đời.
Thứ ba là nhân sinh quan: vật chất ít ỏi mà tấm lòng phong phú. Một người càng chạy theo những phù phiếm bề ngoài, càng dễ mệt mỏi. Hãy làm phép trừ cho đời, làm phép cộng cho trái tim, đó là trạng thái tốt nhất của cuộc sống.
4. Tiết kiệm quan trọng hơn kiếm tiền
Khi còn trẻ, ta thường cố gắng làm việc chăm chỉ và kiếm thật nhiều tiền. Bạn kiếm được nhưng lại không tiết kiệm được.
Nhưng ở tuổi năm mươi, con cái đã lớn, gánh nặng đã nhẹ và bạn cũng không còn bao lâu nữa là về hưu. Tại thời điểm này, tiết kiệm quan trọng hơn kiếm tiền và có một khoản tiền gửi là cách sống khôn ngoan nhất.
Suy cho cùng, khi người ta già đi và không có tiền trong túi, họ sẽ không có cảm giác an toàn chứ đừng nói đến hạnh phúc. Với khoản tiết kiệm, bạn có quyền lựa chọn và sống cuộc sống mà bạn muốn.
Vì vậy, trước 50 tuổi, kiếm tiền là trách nhiệm với gia đình. Sau 50 tuổi, tiết kiệm là trách nhiệm với bản thân. Hãy bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ và tích lũy nhiều hơn, sau này khi bạn già đi, bạn nhất định sẽ cảm ơn chính mình.
5. Người thân quan trọng hơn quý nhân
Quý nhân là người nâng bạn lên và dẫn dắt bạn khi gặp khó khăn. Người thân là những người đồng hành và hỗ trợ bạn, bất kể giàu hay nghèo, cao hay thấp, ốm đau bệnh tật và sẽ theo bạn suốt cuộc đời.
Sau năm mươi tuổi, người cần trân quý nhất không phải quý nhân, mà là người thân. Họ sẽ là người ở bên tận những khi bạn nhắm mắt xuôi tay.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)