Phương thức, số môn và đề thi lớp 10
Với chương trình và sách giáo khoa mới, đề thi tuyển sinh lớp 10 dự kiến được thay đổi.
Những học sinh cuối cấp THCS năm nay đã học hai môn tích hợp là Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), thay vì các môn riêng lẻ như trước. Do đó, cấu trúc đề, phạm vi kiến thức, số lượng và nội dung môn thi được phụ huynh và thí sinh quan tâm, với cả hệ đại trà và chuyên.
Hiện, việc tuyển sinh lớp 10 công lập do các địa phương chủ động, cả về thời gian và cách tuyển. Đến nay mới có Quảng Nam công bố phương án tuyển lớp 10 năm tới; Hải Phòng, Hà Nội đã công bố đề minh họa, nhưng chưa có phương án thi.
Thi tốt nghiệp theo chương trình mới
Trong năm đầu lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp, kỳ thi gồm 4 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
So với các năm trước, kỳ thi giảm hai môn và một buổi thi. Đề thi được phụ huynh và thí sinh mong chờ nhất, bởi hiện khoảng 50% trong 600.000 em vào đại học mỗi năm bằng điểm này.
Theo Bộ, định hướng ra đề là tăng cường tính phân hóa, tính thực tiễn. Đề môn Ngữ văn vẫn theo hình thức tự luận, những môn còn lại trắc nghiệm với nhiều dạng câu hỏi như chọn phương án đúng, trả lời ngắn.
Thư viện đề thi có tính "mở" khi huy động mọi nguồn lực trong ngành. Sau đó, Bộ mời chuyên gia lựa chọn để tạo đề thi, thử nghiệm, đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, từ đó xây dựng đề thi.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho rằng đây là cách làm mới, hay nhưng nhiều khó khăn. Ví dụ, đề thi chủ yếu dựa vào chương trình lớp 12 trong khi trải nghiệm dạy và học chưa nhiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng câu hỏi.
Ngoài ra, việc lấy nguồn đề từ nhiều địa phương, chất lượng khác nhau, trong khi có tới 36 tổ hợp môn, khiến việc chọn lọc, thẩm định đòi hỏi công phu hơn...
Làm sao tăng tính phân hóa, có thể giúp các trường dùng kết quả để xét tuyển, như mong muốn của Bộ, cũng không đơn giản. Từ năm 2020, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chủ yếu phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi đã giảm độ khó so với giai đoạn trước.
Điều chỉnh xét tuyển đại học sớm
Thời gian qua, Bộ nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc xét tuyển đại học sớm. Hôm 9/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói việc này tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông bởi học sinh đỗ sớm lơ là việc học. Ngoài ra, xét tuyển sớm khiến số chỉ tiêu còn lại ít, điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.
Hiện các đại học có tới hơn 20 phương thức xét tuyển, phần lớn là xét tuyển sớm. Mỗi phương thức lại có tiêu chí riêng, như điểm IELTS, SAT/ACT (bài thi chuẩn hóa ở Mỹ), điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, hay kết hợp điểm, chứng chỉ với một số tiêu chí khác...
Nhiều chuyên gia cho rằng việc này giúp học sinh giảm áp lực, các trường thì có nhiều cách để tuyển được người phù hợp.
Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, vấn đề bất cập ở chỗ với nhiều phương thức, đầu vào của các trường không theo một chuẩn chung, dẫn đến mất công bằng.
Chỉ đạo công tác tuyển sinh năm tới, Bộ yêu cầu các trường đại học công bố kịp thời phương án xét tuyển, theo hướng "khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí", "có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông".
Ông Lập nhìn nhận điều này rất khó.
"Các trường được tự chủ, không sai trong việc đặt ra các phương thức, trong khi đề thi tốt nghiệp không đảm bảo phân hóa như một kỳ thi chọn nhân tài để các trường tin tưởng dùng kết quả", ông nói.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Năm học vừa rồi, cả nước có 1,25 triệu giáo viên, tăng hơn 17.200 người. Tuy nhiên, số thiếu vẫn gần 113.500, diễn ra ở hầu hết địa phương. Trong khi đó, số học sinh vẫn không ngừng tăng, toàn quốc tăng hơn 9.400 lớp học.
Thiếu giáo viên dẫn tới tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn định mức, thấp nhất ở cấp mầm non. Cấp này cần tối thiểu 2,2 giáo viên mỗi lớp, nhưng chỉ đạt 1,81.
Việc triển khai chương trình mới với cấp phổ thông cũng gặp khó, nhất là những môn mới như Tin học ở bậc tiểu học, môn tích hợp bậc THCS và Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT.
Ngoài ra, cơ cấu giáo viên giữa các môn, cấp học chưa đồng bộ (thừa, thiếu cục bộ) khiến các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm những hoạt động, môn học ngoài chuyên môn chính, ví dụ giáo viên Văn dạy thêm Giáo dục công dân, Toán dạy thêm Công nghệ. Nhiều nhà quản lý đánh giá việc này ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, tạo thêm áp lực cho thầy cô.
Thiếu giáo viên nhưng các địa phương rất khó tuyển. Tính tới tháng 4, ngành giáo dục vẫn còn thừa khoảng 72.000 biên chế. Theo Bộ, nguyên nhân chính là sức hút vào ngành sư phạm còn hạn chế, nhiều giáo viên nghỉ việc, thiếu nguồn tuyển ở một số môn học đặc thù...
Năm học mới, Bộ xác định giải pháp chính để khắc phục tình trạng này là tăng cường tuyển dụng, quản lý và sử dụng hiệu quả biên chế được giao. Ngoài ra, các địa phương cần xác định cụ thể nhu cầu để đặt hàng các trường sư phạm...
Quản lý dạy thêm, học thêm
Hoạt động dạy thêm, học thêm đang thực hiện theo Thông tư 17, áp dụng từ năm 2012.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Trung học, đây là nhu cầu thực tế, chính đáng, không cần cấm hay chê trách. Bộ đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư mới, hướng đến loại bỏ các thủ tục hình thức, song vẫn giải quyết "vấn đề khiến dư luận bức xúc" là học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.
Nhiều nhà giáo nhận định đây là bài toán khó giải quyết. Ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng, thấy rằng chuyện ép học sinh, nếu có, diễn ra dưới nhiều hình thức "rất tinh vi", từ thái độ, lời nói, hành động. Không hiệu trưởng hay cơ quan nào có thể kiểm soát tất cả điều này.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban nghiên cứu giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nói dự thảo chưa giải quyết được ba nguyên nhân sâu xa dẫn tới dạy thêm, học thêm. Cụ thể, trường học thiếu cơ sở vật chất, nhân lực nên chưa thỏa mãn nhu cầu học tập của học sinh; các em thiếu kỹ năng tự học và đời sống giáo viên chưa đảm bảo.
Thời gian qua, nhiều ý kiến đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.
Năm học trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá ngành triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khó khăn, vướng mắc trong phân công giáo viên và tổ chức dạy các môn mới cơ bản được tháo gỡ, giá thành sách giáo khoa giảm, bớt gánh nặng cho xã hội, phụ huynh.
Việc phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp, tiếp tục được các địa phương quan tâm, đầu tư. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên. Học sinh Việt Nam giành 10 huy chương vàng, 14 bạc, 9 đồng và một bằng khen ở các kỳ thi Olympic và khu vực. Trong đó, đội Olympic Sinh học và Hóa học quốc tế đều lọt vào top 3 trong hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Ở bậc đại học, chính sách tự chủ từng bước đi vào thực chất, công tác tuyển sinh ổn định. Số trường, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số lượng bài báo quốc tế ngày càng tăng.
Năm học 2024-2025 sẽ là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết một trong những mục tiêu trọng tâm nữa của ngành là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ngoài ra, dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10).
Thanh Hằng - Dương Tâm