Trước khi trận chung kết lượt đi diễn ra ở "thánh địa" Bukit Jalil của Malaysia, tôi có đôi lời "mách nước" để HLV Park Hang-seo khỏi bỡ ngỡ và sa vào vết xe đổ năm 2010 của thầy trò HVL Henrique Calisto.
Thứ nhất: Sân vận động Bukit Jalil của Malaysia thuộc top 10 thế giới, sức chứa 90.000 người (lớn hơn cả sân Seoul World Cup của Hàn Quốc). Có thể tạo cộng hưởng âm thanh cuồng nộ lên đến 117 dB (gần chạm ngưỡng nghe của tai người). Gây khó khăn trong giao tiếp trên sân ở khoảng cách ngoài 2 m.
Thứ hai: Nhóm Ultras Malaysia (CĐV cuồng) rất quá khích, nhiều lần đánh người đến đổ máu. Năm 2010, chính họ chiếu tia laze vào mắt thủ môn Tấn Trường. Suốt trận họ còn quăng pháo cuốn (một loại pháo tự chế có tiếng nổ lớn) về phía khung thành tuyển Việt Nam và Indonesia khiến hàng thủ giật mình. Kết quả Việt Nam bị thua 2 bàn trận bán kết. Indonesia "phơi áo" 3 bàn trận chung kết.
(Xem thêm: 'Đừng giễu cợt Công Phượng đi bóng qua ba hậu vệ rồi lừa cả khán giả')
Thứ ba: Nếu để Malaysia ghi bàn trước thì khán đài Bukit Jalil đáng sợ chẳng khác nào địa ngục với những âm thanh cuồng nộ. Nhưng nếu Việt Nam ghi bàn trước thì sẽ tạo ra "hiệu ứng ngược" khiến khán đài câm lặng như bình địa, làm đội bạn đánh mất thế trận.
Thứ tư: Quan trọng nhất là chúng ta phải ghi bàn trước, đây là cách duy nhất để làm câm lặng khán đài Bukit Jalil. Nếu bị đội bạn tấn công tia laze (một loại đèn bị FIFA cấm) thì phía đội tuyển Việt Nam phải lập tức xin dừng trận đấu và nhờ ban tổ chức can thiệp, giảm hưng phấn của đối thủ. Tuyệt đối không đứng chịu trận như năm 2010.
Thứ năm: Liên đoàn bóng đá Việt Nam nên chủ động liên hệ với phía bạn để bảo vệ an toàn cho cả CĐV lẫn cầu thủ Việt Nam. Năm 2014, cũng tại trận lượt đi bán kết AFF Cup, nhiều CĐV Việt Nam đã bị hooligan Malaysia đánh đổ máu trên khán đài. Lần này, chúng ta cũng cần có biện pháp bảo vệ CĐV sang cổ vũ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.