Khi đi chùa đầu năm, điều đầu tiên du khách cần nhớ là không mặc quần áo ngắn. Ngay cả khi trời nắng nóng, bạn nên che kín chân và vai khi vào chùa. Trong nhiều tình huống bắt buộc, một trong những cách "chữa cháy" đơn giản là dùng một chiếc khăn choàng, bởi lớp vải mỏng vừa giúp bạn mát mẻ, vừa che chắn phù hợp. Trong dịp lễ Tết, trước nhiều ngôi chùa nổi tiếng, người ta cũng bán hoặc cho khách mượn tấm vải quấn quanh eo hoặc áo lam.
Qua cổng Tam quan vào chùa, bạn nên đi vào Giả quan (cửa bên phải) và đi ra bằng Không quan (cửa bên trái). Trung quan (cửa chính giữa) chỉ dành cho bậc cao tăng.
Trước khi bước vào bên trong gian thờ, bạn luôn phải để giày dép ngoài cửa dù nhiều ngôi chùa không ghi rõ quy định này. Chú ý không dẫm lên bậu cửa, mà phải bước qua. Không đứng lễ hay quỳ chính giữa trước ban thờ, vì đó là vị trí của trụ trì, bạn nên chọn vị trí chếch một chút sang hai bên. Nếu lễ cùng các nhà sư, hãy đảm bảo bạn không ngồi cao hơn họ.
Nhiều đền chùa vẫn cho phép khách chụp ảnh, song để chắc chắn, bạn nên xin phép người quản lý hay sư thầy trước và không bật đèn flash. Hãy hỏi ý kiến người khác khi ghi lại khoảnh khắc họ đang cầu khấn, cúng bái. Ngoài ra, không ai muốn bị làm phiền khi họ đã tìm đến chốn thanh tịnh, do đó bạn nên chuyển điện thoại sang chế độ im lặng, hoặc tắt máy và tận hưởng giây phút bình yên trong đền chùa.
Quay lưng ngay lại với tượng Phật bị coi là một hành vi thô lỗ. Sau khi chiêm bái, bạn nên lùi lại vài bước trước khi chuyển hướng đi hoặc ra ngoài điện thờ.
Vào đầu năm mới, đền chùa đều rất đông người đến lễ bái, bạn hãy cố gắng để ý những người xung quanh, tránh cản trở lối đi chung, chen lấn hay xô đẩy. Đặc biệt, bạn cần lưu ý đến tư trang, cất tiền hoặc những vật dụng có giá trị trong túi đeo trước ngực, tránh đeo trang sức quá phô trương.