Phút 48 trận đấu trên sân Emirates ngày 31/8, khi Arsenal đang dẫn 1-0, Rice đi bóng không thành công ở sát cột cờ góc và phạm lỗi với Joel Veltman. Hậu vệ Brighton lập tức đứng dậy, có vẻ như định đá phạt nhanh. Nhưng Rice quay sang gẩy bóng đi và lãnh trọn cú sút của Veltman vào ống đồng.
Tiền vệ Arsenal nằm sân ôm chân, tỏ ra đau đớn, nhưng chính anh phải nhận thẻ vàng thứ hai, còn Veltman thoát án. Cuối hiệp một, Rice đã bị một thẻ vàng cũng sau pha phạm lỗi với Veltman. Do tiền vệ 25 tuổi nhận thẻ vàng nên VAR không thể can thiệp.
Trên tài khoản mới @PLMatchCentre tại mạng xã hội X - nơi cung cấp các giải thích "gần như trực tiếp" về các quyết định trên sân, ban tổ chức Ngoại hạng Anh giải thích Rice bị truất quyền vì "cản trở tình huống phát bóng của đối thủ". Theo đó, một cầu thủ đá bóng đi để câu giờ hoặc ngăn cản đội đối phương thực hiện quả đá phạt được coi là hành vi phạm lỗi đáng bị thẻ vàng tại Ngoại hạng Anh.
Tuy nhiên, kênh Sky Sports cho rằng có năm vấn đề được đặt ra rằng liệu thẻ vàng, đặc biệt là dẫn đến thẻ đỏ, có phải là án phạt hợp lý trong trường hợp này hay không.
Đầu tiên là tình huống cuối hiệp một, khi Joao Pedro đá bóng lên khán đài sân Emirates sau tiếng còi của Kavanagh.
Nhưng Pedro không bị trọng tài phạt, hay thậm chí là nhắc nhở. Đây không hẳn là lần đầu tiên các trọng tài Ngoại hạng Anh quyết định không nhất quán trong những tình huống tương đồng, nhưng đặt ra câu hỏi là tại sao Pedro thoát án trong khi Rice phải nhận thẻ vàng thứ hai. Thông thường, các trọng tài rất cân nhắc khi ra quyết định đối với cầu thủ đã nhận một thẻ vàng, vì nó liên quan đến việc truất quyền thi đấu.
Vấn đề thứ hai là việc bóng đang lăn khi Rice chạm ra ngoài. Sky Sports nhấn mạnh "điều này sẽ giết chết toàn bộ lập luận", bởi ngay cả khi Veltman đá phạt nhanh, không bị Rice ngăn cản, thì cũng phạm luật.
Luật 13.2 liên quan đến đá phạt quy định rõ "bóng phải tĩnh và cầu thủ đá phạt không được chạm bóng lần nữa cho đến khi bóng chạm vào một cầu thủ khác". Trong trường hợp đó, pha đá phạt nhanh của Veltman, nếu được thực hiện, sẽ không hợp lệ và phải đá lại.
Câu hỏi thứ ba là Rice thực sự đã trì hoãn tình huống bao lâu? Nếu xét đến tình huống đá bóng mạnh của Pedro trong hiệp một, việc đưa bóng trở lại vị trí cần thiết để tiếp tục trận đấu sẽ mất khoảng thời gian khá dài.
Còn tình huống của Rice, bóng chỉ lăn khoảng 1 m. Veltman có thể chỉ cần nhoài người nhặt bóng đặt lại chỗ cũ và đá phạt. So với việc một thủ môn ôm bóng và nằm trên sân khoảng 15 giây, cú đá của Rice không ảnh hưởng quá nhiều.
Vấn đề thứ tư là, chính Trưởng Ban trọng tài Ngoại hạng Anh (PGMOL) Howard Webb nói mùa trước rằng, các trọng tài không nên phản ứng thái quá và gây ảnh hưởng tiêu cực đến trận đấu. "Đôi khi các cầu thủ phải nhận thẻ vàng, và đối thủ sẽ gây áp lực để họ nhận thêm thẻ", Webb lưu ý.
Việc Kavanagh truất quyền Rice đầu hiệp hai chắc chắn ảnh hưởng tới cục diện trận đấu. Và nếu đặc biệt nghiêm túc về luật lệ, tại sao trọng tài này lại không cảnh cáo thủ môn của Brighton, Mark Verbruggen vì chạy đến chỗ ông để gây áp lực, đòi Rice phải nhận thẻ vàng hai?
Tiền đạo Makhtar Gueye của Blackburn từng phải nhận thẻ vàng vì phản ứng tương tự từ trọng tài Tony Harrington, trong trận gặp Burnley ở vòng 4 Championship (giải hạng Nhất Anh) cuối tuần qua.
Câu hỏi thứ năm và quan trọng nhất là Veltman có định đá phạt nhanh hay không? Hậu vệ Brighton dường như chủ động đẩy bóng về phía Rice để khiến tiền vệ Arsenal đá bóng đi, thay vì cố gắng đá phạt nhanh. Khi đó, toàn bộ cầu thủ Brighton đều ở phần sân nhà, không sẵn sàng cho pha phản công còn Arsenal cũng đủ quân số để phòng ngự.
Cựu trọng tài Mike Dean ám chỉ Veltman cố gắng câu phản ứng và thẻ vàng thứ hai từ Rice, thay vì muốn đưa bóng lên tuyến trên. "Veltman rất, rất khôn ngoan. Cậu ấy biết biết điều gì sẽ xảy ra", Dean nói trên kênh Soccer Saturday.
Còn chuyên gia của Sky Sports bình luận: "Veltman có thể đã biết chuyện gì sắp xảy ra, nhưng bạn có thể hiểu tại sao Rice, người chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp, lại không ngờ sẽ bị đuổi khỏi sân vì một sự cố nhỏ như vậy".
Hồng Duy