Facebook trở thành thứ quyền lực vô hình
Cuối tháng 1/2015, Facebook tuyên bố họ đã có 1,39 tỷ thành viên mỗi tháng và con số này hiện tăng lên hơn 1,5 tỷ người dùng. Không còn đơn thuần là dịch vụ kết nối trực tuyến, Facebook đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống cá nhân và xã hội.
Mạng xã hội này là nơi các chính trị gia thể hiện quan điểm và lôi kéo sự ủng hộ của người dân. Các hoạt động kinh tế trên Facebook đóng góp 227 tỷ USD và tạo ra 4,5 triệu việc làm năm 2014 trên toàn thế giới. Các chuyên gia nhận định, trong kỷ nguyên số, nếu một công ty vẫn chưa có tài khoản Facebook của riêng mình, dù với bất cứ lý do gì, công ty đó đang bị bỏ lại phía sau.
Không đơn thuần chỉ là phương tiện liên lạc, kết nối thành viên, Facebook còn là nơi để hàng triệu người dùng thể hiện tiếng nói mạnh mẽ trước những vấn đề bức xúc của xã hội như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, là nơi để họ chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân trong vụ thảm sát ở Pháp hay sự hân hoan khi luật hôn nhân đồng tính được thông qua.
Tại Việt Nam, dù còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, Facebook cũng đã trở thành một phần không thể thiếu của người dùng Internet. Cuối năm 2015, Chính phủ đã thử nghiệm trang Facebook có tên "Thông tin Chính phủ" nhằm phổ biến thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi hơn. Động thái này nhanh chóng được đánh giá cao vì người dân sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn tin chính thức.
Truyền hình analog bắt đầu ngừng phát
Từ ngày 1/11/2015, TP Đà Nẵng và bốn huyện bắc Quảng Nam (gồm TP Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc) trở thành những khu vực đầu tiên ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) vốn đã phục vụ hàng chục triệu người xem để chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Truyền hình analog là nguyên bản đầu tiên của công nghệ truyền hình, trong đó tín hiệu được phát sóng từ đài truyền hình đến các máy thu hình có hình ảnh và âm thanh tương tự như tín hiệu gốc thông qua hệ thống ăng-ten. Loại hình này bị hạn chế bởi không gian và dễ bị tác động từ các vật cản, nguồn sóng khác như radio, điện thoại. Trong khi đó, truyền hình kỹ thuật số có độ phủ rộng và xa hơn, các tín hiệu được số hoá trước khi truyền đi và máy thu hình muốn bắt được phải có bộ giải mã.
Số hóa truyền hình được đánh giá là bước đi tất yếu và nhiều nước trên thế giới đã coi đây là con đường "bất khả kháng". Việc số hóa mang lại cho người dân những chương trình chất lượng cao. Trong khi đó, đối với Nhà nước, số hóa truyền hình giúp giải phóng một đoạn băng tần lớn, có giá trị cao để triển khai các nghiệp vụ thông tin di động thế hệ mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và viễn thông.
Sau Đà Nẵng, dự kiến đến 31/12/2015, bốn thành phố lớn gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ cũng sẽ kết thúc phát sóng các kênh chương trình analog. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đang lấy ý kiến về việc có nên lùi thời điểm tắt "mềm" một số chương trình truyền hình analog qua Tết nguyên đán sang ngày 1/3/2016.
Anonymous phát động chiến tranh mạng chống IS
Những vụ khủng bố đẫm máu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), đặc biệt là vụ xả súng ở Paris ngày 13/11, đã khiến toàn thế giới bàng hoàng và lo ngại. Giữa những luồng thông tin u ám, nhóm hacker Anonymous tuyên bố thực hiện cuộc chiến "lớn chưa từng có" nhằm quét sạch bóng IS khỏi không gian mạng.
Chiến dịch của hacker đã phần nào ngáng đường các kế hoạch trực tuyến của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng như đánh sập hàng chục nghìn tài khoản trên mạng xã hội khiến IS gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, chọc giận các phiến quân bằng ảnh chế hài hước...
Hiệu quả của cuộc chiến còn gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng triệt hạ tài khoản IS sẽ càng làm cho các tổ chức tình báo gặp khó khăn hơn trong việc theo dõi các động thái của khủng bố. Dù vậy, Anonymous giải thích: "IS gieo rắc sự sợ hãi và hy vọng hành động tàn ác của chúng sẽ khiến chúng ta phải câm lặng và lẩn trốn trong sợ hãi. Chúng tôi muốn cho chúng thấy ta không e sợ, không trốn tránh".
Được quảng bá rầm rộ: "Made in Viet Nam" cùng màn ra mắt lớn chưa từng có với những tuyên bố rùm beng về sản phẩm "hơn cả iPhone", Bphone đã gây làn sóng tranh luận liên miên ngay trong giới công nghệ.
Không ít người kỳ vọng Bkav sẽ hiện thực hoá giấc mơ về một chiếc điện thoại cao cấp do chính người Việt Nam thiết kế và sản xuất. Tuy nhiên, sự ra đời của Bphone bị bủa vây bởi những hoài nghi về xuất xứ và chất lượng sản phẩm, sự thất vọng vì giá bán quá cao cũng như sự chờ đợi mệt mỏi khi Bphone liên tục trễ hẹn.
Giới công nghệ chia nửa khi một bên cho rằng người Việt nên ủng hộ hàng Việt và dù sao đây mới là những bước đi đầu tiên của Bkav, một bên lại chỉ trích và coi Bphone chỉ là chiêu trò PR quá đà. Doanh số Bphone không được tiết lộ nên khó có thể khẳng định sản phẩm thành công hay thất bại. Tuy nhiên, dù nhận nhiều chỉ trích, Bphone vẫn được nhìn nhận như một sản phẩm gây ấn tượng mang thương hiệu Việt.
Sự bùng nổ của thiết bị đeo thông minh
Sự bùng nổ này được thể hiện rõ ràng qua thống kê mới nhất của hãng nghiên cứu IDC. Doanh số thiết bị đeo thông minh (wearable) trên toàn cầu đạt 21 triệu máy trong quý III/2015, tăng tới 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường thiết bị đeo đã bắt đầu đông đúc từ năm 2014 nhưng sự hiện diện của Apple Watch vào tháng 4/2015 tạo nên cuộc đua song mã đầy gay cấn với Fitbit. Hiện Fitbit vẫn là nhà sản xuất hàng đầu về thiết bị đeo thông minh với doanh số 4,7 triệu sản phẩm quý vừa qua, còn Apple theo sát phía sau với 3,9 triệu thiết bị.
Trong khi đó, Trung Quốc nhanh chóng nổi lên như một thị trường thiết bị đeo có tốc độ phát triển nhanh nhất với sự tham gia của nhiều công ty nội địa như Xiaomi và XTC cùng các sản phẩm có giá cạnh tranh. Thậm chí, Xiaomi đã có bước đi được coi là "thần tốc" khi tăng trưởng 815% so với năm ngoái và bán được 3,7 thiết bị đeo trong quý III, chỉ thua một chút so với Apple.
Giới phân tích dự kiến, thị trường thiết bị đeo thông minh sẽ tiếp tục đi lên mạnh mẽ và vượt mốc 200 triệu sản phẩm chỉ trong vòng ba năm tới. Hiện loại thiết bị phổ biến nhất vẫn là những thiết bị đeo cơ bản, có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe nhưng vài năm tới, đồng hồ thông minh với chức năng kết nối với điện thoại để hiển thị cuộc gọi, tin nhắn, e-mail... sẽ trở nên phổ biến hơn. Nhiều loại thiết bị đeo khác cũng sẽ xuất hiện với vai trò riêng như phụ kiện quần áo, kính áp tròng, tai nghe, nhẫn, vòng cổ thông minh...
Châu An