Ngày 27/10, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã giao sở ngành, quận huyện phối hợp các lực lượng quân đội, công an để bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân và lực lượng ứng cứu. Chính quyền kêu gọi không ra khỏi nhà từ 20h. Công chức, người lao động được nghỉ làm ngày mai.
Thành phố yêu cầu từ 18h hôm nay không để người ở lại trên các lồng bè, tàu thuyền neo đậu, lán trại công trình, nơi khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá... Những người không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, xử lý nghiêm.
Trước đó, Đà Nẵng có kế hoạch sơ tán 19.000 hộ với 72.000 người, theo kịch bản bão gió cấp 8-11. Với kịch bản bão cấp 12-13, Đà Nẵng dời hơn 35.200 hộ, tương ứng 140.000 người.
Molave được dự báo là "cơn cuồng phong" khi đổ bộ vào Đà Nẵng - Phú Yên vào ngày 28/10. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (165 km/h), giật cấp 17. Trước đó, bão quét qua Philippines khiến ít nhất hai người chết và 19 người mất tích, nhiều ngôi làng ngập trong nước lũ.
Là tỉnh dự báo chịu ảnh hưởng lớn khi bão Molave đổ bộ vào miền Trung, UBND Quảng Nam cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h cho đến khi có thông báo mới để phòng chống bão.
Trưa nay, tỉnh đã di dời gần 15.000 hộ với khoảng 43.000 nhân khẩu, trong đó sơ tán tập trung gần 3.000 hộ với hơn 8.500 nhân khẩu. Người dân khẩn trương chèn chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu địa phương tuyệt đối không được chủ quan với bão số 9, khẩn trương sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các địa phương rà soát, di dời ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc... ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Đặc biệt, địa phương phải kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy lợi nhỏ do huyện quản lý, nếu không đảm bảo phải sơ tán dân. Riêng đối với hồ chứa thủy điện được yêu cầu phải vận hành đảm bảo đưa mực nước về mức thấp nhất trước lũ.
Phó chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng cho biết, đã yêu cầu ngừơi dân không ra đường từ tối nay và trong thời gian bão đổ bộ, đến ngày mai.
Ngoài yêu cầu đưa người dân rời khỏi nơi có nguy cơ sạt lở, tỉnh đề nghị tàu thuyền đến nơi tránh trú bão an toàn; kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, không đảm bảo an toàn. Mọi việc hoàn tất trước 17h ngày 27/10.
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi thành lập Ban chỉ huy tiền phương ở số 52 Hùng Vương, TP Quảng Ngãi, để ứng phó với bão số 9. Trước đó, tỉnh có kế hoạch di dời 70.000 dân ở các vùng xung yếu đến các công trình cao tầng kiên cố.
Từ 20h, tỉnh Bình Định cũng yêu cầu người dân không ra ra đường. Đến chiều nay Ban quản lý cảng Quy Nhơn đóng cảng không cho tàu cá hoạt động để đảm bảo an toàn. Trước đó, 550 tàu cá vào neo ở khu tránh bão bên trong cảng. "Dứt khoát không để ai ở lại trên thuyền bè trước 19 h hôm nay", ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo khi kiểm tra neo đậu tàu cá ở cảng này.
Tỉnh Bình Định có gần 6.000 tàu cá. Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, 170 tàu trong vùng nguy hiểm đã được cơ quan chức năng liên lạc, chỉ dẫn nơi tránh trú. Hiện vẫn còn 14 tàu cá chưa thể vượt ra vùng nguy hiểm.
Chính quyền Phú Yên cũng khuyến cáo người dân sau 21h hạn chế ra đường. Trong ngày, tỉnh đã đưa người dân đang ở tại các lồng, bè nuôi thủy hải sản vào bờ tránh bão. Những trường hợp không hợp tác bị cưỡng chế, hoàn thành trước 18h cùng ngày. Địa phương cũng tận dụng trường học cao ráo, công sở để sơ tán người dân tránh bão.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND Phú Yên yêu cầu lãnh đạo TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, Đông Hòa, huyện Tuy An, lên phương án sơ tán người dân ở các vùng xung yếu, gần biển, cửa sông, nhà không kiên cố... đến nơi an toàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi thông tin bão, chủ động báo cho tàu thuyền ngư dân tìm nơi tránh trú an toàn.
Phạm Linh - Nguyễn Đông - Đắc Thành - Hoàng Phương - Việt Quốc - Xuân Ngọc