Becca Reed, chuyên gia sức khỏe tinh thần và sinh sản ở Columbia (Mỹ), cho biết bất kỳ hành vi nào gây kiểm soát, thao túng hoặc thiếu tôn trọng, được gọi là độc hại.
Hành vi độc hại sẽ liên tục làm bạn thấy bất an, lo lắng hoặc buồn phiền. Do đó, nhận biết các hành vi này là bước đầu tiên để bạn bảo vệ mình và mối quan hệ với bạn đời.
Luôn tìm lỗi sai của bạn
Phê phán là dấu hiệu nổi bật nhất của bố (mẹ) chồng độc hại. Điều này có thể khiến bạn bực bội, cảm thấy thất bại và tổn thương lòng tự trọng.
Chuyên gia tâm lý Kristie Tse, người sáng lập trung tâm hỗ trợ sức khỏe tinh thần Uncover Mental Health Counseling nói họ có thể thường xuyên chỉ trích lựa chọn của bạn, ngoại hình hoặc phong cách nuôi dạy con. Sự chỉ trích liên tục khiến bạn sống trong môi trường tức giận, thiếu tôn trọng và hỗ trợ.
Không tôn trọng hoặc phớt lờ ranh giới của bạn
Mối quan hệ lành mạnh được xây dựng khi cả hai tôn trọng ranh giới của nhau. Vì vậy, nếu bố (mẹ) chồng luôn muốn vượt qua những giới hạn mà bạn đặt ra, đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Smerling và Reed đã liệt kê các tình huống cụ thể.
Họ liên tục hỏi những câu mà bạn đã từ chối trả lời; ghé thăm mà không thông báo trước hoặc khi bạn đã nói họ đừng làm vậy; can thiệp các quyết định tài chính của vợ chồng bạn dù không được yêu cầu giúp đỡ.
Khiến bạn luôn cảm thấy có lỗi
Bạn luôn trong tình trạng cố gắng bao nhiêu cũng không cảm thấy đủ. Ví dụ, bạn dành thời gian cho gia đình chồng vào ngày lễ hoặc để họ tham gia vào cuộc sống của con cái, gia đình bạn nhưng họ vẫn không hài lòng.
Họ thường xuyên phàn nàn khiến bạn nghĩ rằng mình có lỗi và không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Becca Reed liệt kê câu nói phổ biến Nếu như con thực sự quan tâm đến bố mẹ, con sẽ thăm gia đình thường xuyên hơn.
Làm bạn mất uy tín trước mặt con cái
Họ thường xuyên đưa ra lời khuyên hoặc quyết định liên quan đến gia đình bạn mà không hỏi ý bạn. Đó là dấu hiệu của hành vi độc hại.
Ví dụ, họ nói bạn không cho con ăn đúng cách ngay trước mặt đứa trẻ, nhằm làm suy giảm sự tự tin và quyền làm mẹ của bạn.
Bill Eddy, nhà sáng lập trung tâm tư vấn tâm lý, xung đột gia đình High Conflict Institute, cho rằng nuôi dạy cháu bằng cách can thiệp là vấn đề phổ biến ở bố (mẹ) chồng.
Họ có thể làm con cái xa rời bạn bằng các câu nói như Mẹ (bố) không hiểu những gì con cần như ông bà hoặc Lần tới, hãy nói chuyện với ông bà thay vì bố mẹ.
Đồng thời, họ cũng sẽ phớt lờ những quy tắc bạn đặt ra cho đứa trẻ như không sử dụng điện thoại khi ăn tối. Điều này khiến bạn cảm thấy bị coi thường và tác động đến con.
Gây xáo trộn
Becca Reed cho rằng gia đình chồng độc hại sẽ cố gắng tạo ra căng thẳng giữa bạn và bạn đời. Họ có thể lan truyền tin đồn, bênh vực một phía và chia rẽ các thành viên trong gia đình với nhau. Do đó, gia đình bạn sẽ căng thẳng dẫn đến tổn thương tâm lý kéo dài.
Ngọc Ngân (Theo Bestlife)