1. Sút xa. Trước đội tuyển Lào chơi co cụm với ý đồ đổ bê tông trước khung thành, tuyến giữa của Việt Nam được khuyến khích sút xa. Văn Quyết, Quang Hải và đặc biệt là Xuân Trường không ngần ngại ra chân mỗi khi có khoảng trống, dù trong nhiều tình huống, vị trí dứt điểm cách khung thành Lào tới 30 mét.
Trong sơ đồ 3-4-3, với hai tiền vệ trung tâm có khả năng đánh chặn chỉ ở mức khá, sút xa còn là phương án tốt để Việt Nam ngăn những đường phản công nhanh của đối thủ. Nếu may mắn và chuẩn xác hơn, Xuân Trường hoặc Quang Hải đã có thể lập công từ những cú đại bác tầm xa.
2. Pressing tầm cao. Lối chơi này đã được HLV Park Hang-seo sử dụng từ Asiad 2018, trước những đối thủ yếu ở vòng bảng là Nepal và Pakistan. Ở trận ra quân tại AFF Cup, Việt Nam tiếp tục khiến một đối thủ cửa dưới khác là Lào gặp khó khi triển khai bóng. Các tuyển thủ, sau khi mất bóng, luôn áp sát rất nhanh hòng đoạt lại quyền kiểm soát một cách sớm nhất có thể. Bàn mở tỷ số của Công Phượng là minh chứng rõ nét cho cách đá này. Văn Hậu, sau khi chiến thắng trong pha tranh chấp bên phần sân Lào, đã tạo thời cơ cho đồng đội lập công.
3. Khả năng đánh vỗ mặt. Ngoại trừ tình huống cắt ngang vòng cấm và cứa lòng của Trọng Hoàng cuối hiệp một, Việt Nam gần như không triển khai những miếng đánh ở nách đối thủ. Tại vòng chung kết U23 châu Á và Asiad 2018, đây là ngón đòn nguy hiểm nhất của Việt Nam nhờ kỹ thuật và khả năng dứt điểm đa dạng của những cầu thủ trên hàng công.
Đó có thể xem là một cách giấu bài của HLV Park Hang-seo. Lào là một đối thủ yếu và Việt Nam, với việc có bàn mở tỷ số sớm, không cần giở hết các cách tiếp cận khung thành trong trận ra quân. Bóng thường được dồn vào trung lộ, để các cầu thủ sút xa, chọc khe hoặc đột phá theo kiểu vỗ mặt đối thủ.
4. Vị trí đột phá của Công Phượng. Từ giải U23 châu Á tới Asiad và bây giờ là AFF Cup, Công Phượng có sự trưởng thành vượt bậc về tư duy chiến thuật. Anh không còn đi bóng từ giữa sân, hay cố gắng vượt qua hai, ba hậu vệ đối phương nữa. Trái lại, tiền đạo của HAGL thường chọn vị trí tăng tốc từ khoảng một phần ba sân, tính từ khung thành đối thủ. Vị trí đột phá này của Công Phượng khiến hàng thủ đối phương dễ xộc xệch và khó bịt các khoảng trống hơn.
Một điểm sáng nữa trong cách đi bóng của Công Phượng là anh không còn cố dứt điểm khi rê dắt. Thay vào đó, cựu tuyển thủ U23 Việt Nam có xu hướng nhả bóng lại cho đồng đội chiếm khoảng trống mà anh vừa tạo ra.
5. Ngòi nổ Văn Quyết. Trên lý thuyết, đội trưởng Việt Nam giữ vị trí tiền đạo lùi nhưng thực tế khi triển khai bóng, cầu thủ Hà Nội thường lùi sâu và tham gia luân chuyển bóng cùng Quang Hải, Xuân Trường. Cách di chuyển này giúp Việt Nam áp đảo quân số ở khu vực trung tâm, đồng thời khiến hậu vệ đối phương bối rối. Nếu không bị theo kèm, số 10 của Việt Nam sẽ lập tức sút xa. Còn nếu có hậu vệ chạy theo, Văn Quyết sẽ tỉa bóng xuống cho tiền vệ cánh băng lên trám vào vị trí của anh trên hàng công.
Pha phối hợp dạng này được thực hiện ở phút 35. Văn Quyết nhận bóng từ Quang Hải, sau một nhịp chỉnh và quan sát, đã chọc khe cho Trọng Hoàng băng lên ở cánh phải. Nếu hậu vệ Lào không kịp áp sát, Việt Nam có thể đã có một cơ hội thành bàn.
Thắng Nguyễn