Các công trình, sáng kiến đoạt giải gồm: Sách Sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường của nhóm tác giả Võ Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Quang Đức (Đà Nẵng); Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Mô đun đánh lỗi thiết bị đào tạo điều khiển từ xa của nhóm tác giả Nguyễn Trung Kiên, Trần Hoài Nam (Vĩnh Phúc); Nghiên cứu, thiết kế qui trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập của tác giả Lê Sỹ Nam (Đoàn khối các cơ quan trung ương).
Ngoài ra, còn có SHub Classrom của nhóm tác giả Nguyễn Đăng An, Huỳnh Quốc Tuấn, Lê Văn Tư, Nguyễn Hoàng Kha (TP HCM) và Từ điển Việt - M'Nông, M'Nông - Việt trên điện thoại Android của nhóm tác giả Văn Thành Đạt, Nguyễn Văn Nam (Đak Nông).
"Khi được xướng tên đầu tiên mình như vỡ òa. Giải thưởng như một dấu mốc ghi nhận, đền đáp công sức và đam mê mà mình và các thành viên trong nhóm đã bỏ ra", Nguyễn Đăng An, người sáng lập dự án Shub Classrom, chia sẻ.
Cùng với 5 công trình, sáng kiến giành 100 triệu đồng, 8 công trình khác lọt vào vòng chung kết đều nhận được giải thưởng 10 triệu đồng.
Anh Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Trưởng ban tổ chức chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục", cho biết các công trình năm nay có sự vượt bậc cả về số lượng và chất lượng so với năm trước. "Ngoài sự trở lại của nhiều tác giả, năm nay có sự xuất hiện của các startup trẻ tuổi, mang đến làn gió mới. Điều này phản ánh tiềm năng về sự sáng tạo của trí thức trẻ Việt Nam và sự lan tỏa của chương trình", anh Triết đánh giá.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, thành viên Ban giám khảo, hy vọng có thêm nhiều công nghệ được ứng dụng để tạo ra sản phẩm tốt cho giáo dục như tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain...
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" được Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo Tuổi trẻ và một doanh nghiệp triển khai giai đoạn 2016-2020 nhằm khuyến khích đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến thuộc ba nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Năm 2019, chương trình nhận được 539 hồ sơ công trình, tăng 138 so với năm 2018. Trong đó có 274 công trình, sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 141 công trình, sáng kiến về sáng tạo, chế tạo các công cụ phục vụ giảng dạy, học tập; 124 công trình, sáng kiến nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Thanh Hằng