Công tắc thông minh Sonoff Touch T1
Sonoff là mẫu công tắc thông minh được nhiều người dùng tại Việt Nam ưa chuộng do giá bán khá rẻ, chỉ khoảng từ 300.000 đến 400.000 đồng cho các loại từ một đến ba nút. Sản phẩm sử dụng kết nối Wi-Fi để điều khiển từ xa, có hỗ trợ sóng RF và đều thông qua phần mềm eWeLink. Bề mặt bằng nhựa, dùng cảm ứng chạm để nhận lệnh bật/tắt. Người dùng có thể chọn cả loại mặt vuông lẫn mặt chữ nhật tùy vào nhu cầu sử dụng.
Đây cũng là một trong các sản phẩm có thể thêm trực tiếp vào hệ thống nhà thông minh Home Assistant (Hass) và cần chạy lại firmware để điều khiển ổn định. Nhược điểm của dòng sản phẩm này là thiết kế kém sang, máy chủ hoạt động không ổn định, hay bị tình trạng mất kết nối (điều khiển qua eWeLink) trong khi việc tích hợp vào Hass đòi hỏi người dùng có am hiểu sâu, không phù hợp với người dùng phổ thông.
Xiaomi Aqara Wall Switch
Công tắc của Aqara (thương hiệu con của Xiaomi) được đánh giá có chất lượng hoàn thiện tốt nhất trong tầm giá dưới một triệu đồng. Sản phẩm cũng sử dụng kiểu bấm cơ học tạo cảm giác thật hơn so với các loại cảm ứng. Nhờ kết nối qua sóng Zigbee, công tắc của Aqara có độ ổn định cao hơn so với qua Wi-Fi. Nhà sản xuất cũng có hai loại, một loại không cần dùng dây mát hỗ trợ công suất tối đa 800W và loại cần dây mát, hỗ trợ công suất tối đa hơn 2.000 W.
Nhược điểm của công tắc thông minh Xiaomi Aqara là chỉ có chuẩn vuông, chỉ có hai loại là một nút và hai nút. Khi sử dụng, người dùng cũng cần mua thêm một bộ điều khiển trung tâm hỗ trợ Zigbee của Xiaomi có giá gần 600.000 đồng. Giá bán của loại một nút đến hai nút từ 500.000 đến hơn 600.000 đồng tại Việt Nam.
Công tắc thông minh của Javis
Trong số các thương hiệu sản xuất tại Việt Nam, công tắc của Javis có giá thành thấp nhất (so với Lumi và Bkav). Loại 3 nút ở mức gần 900.000 đồng, thấp hơn hai lần so với sản phẩm trong nước nhưng cao gần gấp 3 so với Sonoff. Dù vậy, sản phẩm của Javis có thiết kế khá đẹp với mặt kính cường lực, hỗ trợ đầy đủ cả chuẩn vuông và chữ nhật, máy chủ điều khiển đặt tại Việt Nam, có thể kết nối Hass cũng như trợ lý Google Assistant hay Alexa.
Nhược điểm của sản phẩm là vẫn cần dùng dây mát (nối đất) gây nhiều khó khăn cho một số nhà muốn nâng cấp từ công tắc thường lên công tắc thông minh. Ngoài ra, mức giá cao hơn Sonoff nhiều dù thiết kế không vượt trội cũng khiến người mua phân vân.
Broadlink TC2
TC2 đến từ nhà sản xuất danh tiếng là Broadlink với thiết kế đẹp, hoàn thiện tốt, giá bán hợp lý và nằm trong hệ sính thái đa dạng các thiết bị nhà thông minh khác. Mức giá khoảng hơn 600.000 đồng cho loại 3 nút bấm chỉ đắt hơn so với Sonoff. Người dùng cũng có thể chọn chuẩn vuông hoặc chữ nhật tùy thuộc vào loại đế ấm tường đang sử dụng.
Tuy nhiên, Broadlink TC2 lại không còn phổ biến tại Việt Nam do chỉ hỗ trợ điều khiển qua sóng RF thay vì Wi-Fi hay Zigbee như các đối thủ. Nhược điểm của kết nối này là không phản hồi được trạng thái tắt/mở của công tắc. Ngoài ra, người dùng cũng cần một bộ điều khiển trung tâm hỗ trợ RF để điều khiển.
Tuya SHP-IS1US
Tuya là thương hiệu khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam. Sản phẩm có các thông số kỹ thuật khá giống với Javis nhưng khác biệt khi chọn tông màu chủ đạo là đen thay vì trắng như hầu hết các sản phẩm còn lại. Người dùng cũng có thể điều khiển qua ứng dụng nhờ kết nối Wi-Fi, hỗ trợ điều khiển qua giọng nói như Google Assistant, Alexa.
Tuy nhiên, công tắc của Tuya có mức chịu tải không cao, tối đa 1.000 W, giá bán 900.000 đồng phải cạnh tranh với hai đối thủ lớn là Sonoff và Javis.
Công tắc thông minh có kích thước tương đương với công tắc điện dân dụng thông thường với hai chuẩn phổ biến là vuông và chữ nhật. Các loại công tắc thông minh đều có thể điều khiển bật/tắt thông qua smartphone từ xa, hẹn giờ bật/tắt theo lịch trình đặt trước. Ngoài ra, người dùng cũng có thể kết hợp với các thiết bị thông minh khác để tạo lệnh như có người chuyển động tự bật đèn khi trời tối... Việc lắp đặt công tắc thông minh hầu hết đều rất đơn giản do chỉ cần tháo và thay thế cho bảng công tắc cơ cũ. |