Chiều 25/6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế điểm lại các chuỗi lây nhiễm mà từ đây phát hiện nhiều ca mới sau khi cách ly. Gồm:
Chuỗi lây nhiễm Công ty Hanjoo Trade, khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi: Ngày 13/6, qua tầm soát bệnh nhân, Bệnh viện Xuyên Á phát hiện một trường hợp dương tính làm việc ở công ty này, ở khu may, lầu hai. Từ đó, phát hiện 189 ca nhiễm là người cùng công ty và 15 ca là người nhà. Ca cuối cùng ghi nhận vào ngày 22/6 trong khu cách ly tập trung, sau khi lấy mẫu lần hai.
Chuỗi liên quan chợ đầu mối Hóc Môn - Sơn Kỳ - Tân Hương: Ngày 12/6, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn tầm soát phát hiện một ca dương tính là tiểu thương bán trái cây tại ki-ốt ở đầu chợ. Từ đó, phát hiện tổng cộng 62 ca đã được xác định, phân tích các nhánh như sau:
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lấy mẫu xét nghiệm tiểu thương lần thứ nhất ngày 13/6 không phát hiện ca dương tính. Ngày 18-22/6 phát hiện 14 ca dương tính là tiểu thương các chợ, hoặc là người lấy hàng chợ này bán ở chợ khác.
Tại chợ Sơn Kỳ, quận Tân Phú ngày 19/6 từ ba tiểu thương ở đây đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng bán hàng ngày, đã xét nghiệm các F1 và mở rộng xét nghiệm khu vực trung tâm chợ, phát hiện 93 trường hợp dương tính, là tiểu thương, người nhà và người sống trong khu vực chợ. Thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ dân cư khu vực chợ Sơn Kỳ, khoảng hơn 22.000 người. Ngày gần nhất phát hiện ca nhiễm mới là 23/6.
Tại chợ Tân Hương, quận Tân Phú, ngày 25/6 phát hiện trường hợp một tiểu thương bán trái cây, lấy hàng ở chợ đầu mối Hóc Môn có kết quả dương tính.
Ông Bỉnh nhận định, sự giao lưu tiếp xúc tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống hiện nay không đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Mật độ giao lưu đông, việc mang khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn không đảm bảo.
Chuỗi Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn, lô số 2, đường Song Hành, khu công nghiệp Tân Tạo: Đến nay, 102 ca đều là nhân viên của công ty này. Họ được phát hiện sau khi phong tỏa công ty ngày 16/6 và lấy mẫu xét nghiệm 137 F1 của ca dương tính đầu tiên. Các ngày sau đó, liên tục các trường hợp dương tính khác. Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc mới là ngày 24/6 với 53 trường hợp phát hiện trong khu cách ly tập trung.
Theo ông Bỉnh, công ty Trung Sơn hoạt động trong môi trường máy lạnh, việc giao lưu tiếp xúc giữa các nhân viên rất nhiều, đặc biệt trong thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lây lan.
Chuỗi liên quan chợ Bình Điền, quận 8: Ngày 16/6, qua tầm soát bệnh nhân tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, phát hiện một người làm bốc xếp tại chợ Bình Điền mắc Covid-19. Đến 25/6, thành phố ghi nhận 32 ca ở chuỗi này, gồm hai người trong đội bốc xếp tại chợ cá, một tiểu thương bán nước đá, 11 người mua hàng và 18 ca trong khu phong tỏa ca nhiễm.
Chuỗi vựa ve chai Đề Thám, quận 1: Ngày 15/6, Bệnh viện Nguyễn Trãi tầm soát, phát hiện một bệnh nhân là người lượm ve chai tại số 1, Đề Thám, quận 1. Từ bệnh nhân này, đến nay đã có 99 ca xác định đều là những người thu lượm ve chai, làm thời vụ và người đi thu lượm ve chai ven đường, nhỏ lẻ, hoặc người cư ngụ cùng địa điểm với người thu lượm.
Ngoài ca đầu tiên phát hiện tại Bệnh viện Nguyễn Trãi còn có hai người được phát hiện tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp; các bệnh viện huyện Nhà Bè, Quận 2, Quận 4 mỗi nơi phát hiện một ca. Ca cuối cùng ghi nhận vào ngày 24/6, tại khu phong tỏa.
Bên cạnh đó, ông Bỉnh cũng chia sẻ, nhiều nhân viên y tế mắc Covid-19 khi làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm người dân, dù đã tận dụng nhiều biện pháp bảo hộ, như mang khẩu trang N95 chuyên dụng. Ngay trong khu cách ly tập trung, một nữ điều dưỡng đi đo nhiệt độ hàng ngày cũng bị lây nhiễm.
"Tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các ca trong cộng đồng còn gia tăng cho thấy các chuỗi này lây rất nhanh", ông Bỉnh nói.
Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng Delta (xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ) gây lây lan mạnh. Sự xuất hiện liên tiếp, hàng loạt ca lây nhiễm ở TP HCM từ cuối kỳ nghỉ lễ đến nay cho thấy dịch đã lây ít nhất 4 đến 5 thế hệ. Thành phố đã trải qua đợt dịch với sự bùng phát chuỗi dịch nhóm Truyền giáo Phục hưng, sau đó là các chuỗi bùng phát trong khu dân cư, nhà trọ, cơ sở sản xuất, đặc biệt là các toà nhà, văn phòng, khu sản xuất thực phẩm... là nơi có môi trường chật hẹp, thông khí kém, nhiều sự tiếp xúc khiến sự lây lan mạnh, với nhiều yếu tố thuận lợi của chủng virus Delta.
Những ngày gần đây, dịch bùng phát mạnh, thành phố đã quyết định phong tỏa những khu vực có số ca lây nhiễm cao, như khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc, quận Bình Tân; Hóc Môn... Toàn thành phố cũng đã giãn cách theo Chỉ thị 10 (chỉ thị của thành phố nâng cấp chống dịch linh hoạt theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ) từ ngày 20/6 đến nay.
Để dập dịch, giám đốc Sở Y tế cho biết thành phố tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và thành phố. Đồng thời, tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm nguồn lây.
Đối với các khu vực đang phong tỏa quanh ổ dịch, chính quyền địa phương phối hợp y tế đánh giá tình hình dịch tễ, nếu nhận định có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng thì có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng (theo các khu phố hoặc phường...) để kiểm soát dịch.
Hiện, các quận, huyện đã áp dụng test nhanh để quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần sau khi có kết quả test nhanh. Nếu dương tính, sẽ cách ly ngay, sử dụng kỹ thuật RT-PCR xét nghiệm mẫu đơn. Với người âm tính thì sau đó xét nghiệm mẫu gộp để quét qua một lần nữa. Ông Bỉnh chia sẻ, có một đơn vị đã hỗ trợ cho thành phố 70.000 test nhanh. Thành phố đã sử dụng hơn 25.000 test nhanh đều cho các quận, huyện.
Tính từ ngày 27/4 đến sáng 26/6, Bộ Y tế đã cấp mã số bệnh nhân 2.960 ca Covid-19 tại TP HCM. Hiện, 31 bệnh nhân tình trạng nặng.
Thư Anh