Bà Huyện Thanh Quan sinh năm 1805, mất 1848, có tài liệu không xác định năm sinh, chỉ ước khoảng thế kỷ 19.
Nhà thơ tên thật là Ngô Thị Hinh (các tài liệu trước đây ghi là Nguyễn Thị Hinh), quê làng Nghi Tàm, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chồng bà là ông Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghi), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, làm Tri huyện Thanh Quan (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời vua Nguyễn, nên bà thường được gọi theo chức vụ của chồng là Bà Huyện Thanh Quan.
Bà Huyện là nhà thơ nổi tiếng. Thơ bà điêu luyện, chuẩn mực về niêm luật, hàm súc giàu nhạc điệu. Nhờ vậy mà thời kỳ bà theo chồng vào làm việc ở Huế, bà được vua Minh Mạng sung vào triều làm Cung Trung giáo tập để dạy công chúa và các cung nhân học.
Năm 1847, sau khi chồng mất, bà đưa bốn con nhỏ từ Huế về sống tại quê nội ở làng Nghi Tàm, năm sau thì qua đời, hưởng dương 43 tuổi. Bà sáng tác khá nhiều thơ Nôm, nhưng đa số thất lạc, chỉ còn lại rất ít trong đó có mấy bài: Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long hoài cổ. Bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan được nhiều người biết đến nhất là Qua đèo Ngang.
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn học, "thâm thuý, tinh tế, giàu suy tư, mẫu mực, đĩnh đạc, óng mượt" là những đặc điểm đã tạo nên tính đặc sắc và độc đáo của thơ Bà Huyện Thanh Quan.