Lưu Kỳ Linh (1907-1974), quê ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ông là anh ruột của Lưu Trọng Lư, một trong nhà thơ nổi tiếng nhất của phong trào Thơ Mới. Lúc nhỏ, ông từng học trường Đồng Hới, sau vào Trường Quốc học Huế. Đương thời, Lưu Kỳ Linh có thơ đăng trên Hà Nội báo, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ bảy...
Trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam, tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân chọn đăng ba bài thơ của Lưu Kỳ Linh: Đợi chờ, Cành hoa thu muộn, Con bướm trắng.
Bài thơ Con bướm trắng có thêm hai câu thơ đề từ: Bướm kia ai biết là thi sĩ; Kiếp trước đa tình lại hóa thân.
Vừng hồng phun ánh hồng tươi,
Cả một vườn xuân loáng nét cười.
E lệ cánh trà so cánh huệ,
Hương lan thầm kín mỉa hương mai.
Những loài hoa mới bỗng xôn xao:
Con bướm lang thang đâu... lạc vào.
Phơ phất dịu dàng đôi quạt trắng,
Đu cành thấp chán nhún cành cao.
Tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân bình luận: "Lưu Kỳ Linh là anh ruột Lưu Trọng Lư. Nhưng thơ em nhiều người biết mà thơ anh ít ai hay. Kể cũng đáng tiếc.
Thơ Lưu Kỳ Linh tuy mới nhưng đôi bài có cái nhẹ nhàng, cái kín đáo, cái vi diệu của những vần thơ xưa. Nó không huy hoàng, lộng lẫy. Trong vườn thơ nó chỉ là những bông hoa màu nhạt, hương thanh, e lệ nở trong một góc tường. Nhưng ai dám bảo là những bông hoa không quý?".