Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989), tên thật Phan Ngọc Hoan, quê Quảng Trị. Ông lớn lên và đi học Quy Nhơn, Bình Định, đỗ bằng thành chung thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Do đó, có thể xem Quy Nhơn là quê hương thứ hai của nhà thơ. Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên lập thành nhóm "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định.
Chế Lan Viên bắt đầu làm thơ từ năm 12 tuổi, 5 năm sau đó ra tập thơ đầu tay Điêu tàn, bắt đầu nổi danh trên thi đàn Việt Nam. Tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên với những vần thơ sầu não, có phần kinh dị và huyền bí với những cảnh đổ nát, hoang tàn của các phế tích.
Bài thơ Xuân được đăng trong Thi nhân Việt Nam:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?
- Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!
Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
Hoài Thanh - Hoài Chân nhận xét: "Trong một năm, người (tức Chế Lan Viên) ưa nhất là mùa thu. Mùa thu qua được một ngày người đã nhớ:
Ô hay, tôi lại nhớ thu rồi...
Mùa thu rớm máu rơi từng chút
Trong lá bàng thu đỏ ngập trời.
Đường về thu trước xa lăm lắm,
Mà kẻ đi về chỉ một tôi!
Ưa nhìn mùa thu, ghét mùa xuân, trong khi xuân đến, người muốn:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
Ý muốn ngông cuồng, ngộ nghĩnh? Đã đành. Trong cái ngộ nghĩnh, cái ngông cuồng ấy tôi còn thấy một sức mạnh phi thường. Chắn một luồng gió, chắn một dòng sông, chắn những đợt sóng hung hăng ngoài biển cả, nhưng mà chắn nẻo xuân sang. Sao người ta lại có thể nghĩ được như thế?".
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, rồi ra Huế tham gia đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh. Chế Lan Viên viết và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến.
Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần từ kỳ dị, siêu thực về trường phái hiện thực. Trong thời kỳ 1960-1975, thơ Chế Lan Viên mang một màu sắc mới, những áng thơ sử thi hào hùng và đậm tính thời sự.
Chế Lan Viên có hai tác phẩm nổi tiếng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học phổ thông: Tiếng hát con tàu và Người đi tìm hình của nước, trích trong tập Ánh sáng và phù sa, năm 1960.
Câu 2: Trong bài thơ Màu thời gian, nhà thơ Đoàn Phú Tứ ví màu thời gian với màu gì?