Bà Huyện Thanh Quan sống ở thế kỷ 19, chưa xác định được năm sinh, năm mất. Bà Huyện là nhà thơ nổi tiếng, là nữ sĩ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam trung đại.
Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều, hiện còn lại gần mười bài thơ, hầu hết bằng chữ nôm, theo thể Đường luật. Trong số đó, nổi tiếng nhất là bài Qua đèo Ngang, được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật.
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Qua đèo Ngang được Bà Huyện Thanh Quan sáng tác trên đường đến Phú Xuân dự lễ nhậm chức của vua Minh Mạng. Bài thơ tả cảnh đèo Ngang lúc xế tà và nói lên nỗi buồn cô đơn, nỗi nhớ nhà của tác giả.
Theo chú giải của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2011), Đèo Ngang thuộc dãy núi Hoành Sơn, một nhánh của dãy núi Trường Sơn, chạy thẳng ra biển, phân chia địa phận hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Theo nhiều tài liệu, con đèo dài khoảng 6 km. Sách Đại Nam nhất thống chí, (quyển 4 - Đạo Hà Tĩnh) chép về Hoành Sơn và đèo Ngang như sau: "Hoành Sơn: Ở địa phận xã Hoằng Lễ về phía nam huyện Kỳ Anh, là chỗ phân chia địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, một dải núi liên tiếp chắn ngang đến biển; phía đông có núi Đao, đường quan đi qua trên núi, xưa là chỗ phân định địa giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành, ở đây có thành bằng đá".
Câu 2: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, sáng tác năm 1861. Địa danh Cần Giuộc trong bài thơ, hiện thuộc tỉnh nào?