Ảnh: Corbis.com. |
Dưới đây là những điều bạn vẫn hay nghe người ta nói hoặc có khi chính bạn cũng nghĩ vậy nhưng thực tế lại khác:
Chỉ cảm giác của những người sắp làm mẹ mới quan trọng
Cơ thể của vợ bạn thay đổi rất nhiều trong quá trình mang thai và việc tập trung vào việc sinh nở khiến cho nhiều người nghĩ rằng chỉ có cảm giác của các bà mẹ tương lai mới cần được để ý. Tất nhiên, việc bạn lo lắng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của vợ là rất quan trọng, nhất là nếu cô ấy rơi vào trạng thái trầm cảm, nhưng đừng vì thế mà quên mất cảm giác của chính mình.
Người ta thường nói về những mặt tích cực của những người sắp làm bố. Nhưng thực ra, các ông bố tương lai lại gặp khó khăn trong việc bày tỏ cảm giác lo lắng và e ngại của mình: Tôi sẽ phải làm gì trong lúc vợ sinh? Những biến chứng gì có thể xảy ra? Mối quan hệ giữa vợ chồng tôi sẽ thay đổi thế nào? Tôi có thể vẫn theo đuổi được sự nghiệp và dạy con tốt?...
Bạn hãy tâm sự những cảm giác này với vợ. Nhiều người đàn ông giấu giếm nỗi sợ hãi về việc vợ mang thai và cương vị làm cha của mình bởi họ không muốn làm cho vợ thêm lo lắng. Đừng sợ chất thêm gánh nặng cho cô ấy. Hầu hết phụ nữ đều muốn được chia sẻ những điều này và họ hiểu việc trở thành cha cũng có nhiều thử thách. Hơn nữa, chia sẻ nỗi sợ hãi với vợ sẽ giúp các bạn gần gũi nhau hơn.
Bạn cũng có thể tìm kiếm sự đồng cảm từ những người sắp làm cha khác, đọc sách về các vấn đề này hay tham gia những lớp học nếu cần. Bằng cách bày tỏ mối lo ngại của mình suốt thời kỳ vợ mang thai và lúc mới làm cha, bạn sẽ vượt qua được những lo lắng và chuẩn bị tốt cho vai trò mới của mình.
Em bé mới sinh không thực sự cần cha chúng
Sự gắn bó chặt chẽ giữa vợ và con, đặc biệt nếu như vợ bạn cho con bú, có thể khiến nhiều ông bố cảm thấy mình chẳng có nghĩa lý gì với em bé mới sinh. Đừng nghĩ vậy. Bạn là người rất quan trọng trong cuộc sống của bé và bạn hoàn toàn có thể làm nhiều việc cho con.
Để gắn bó hơn với con, hãy bế bé, đung đưa và thủ thỉ với con.
Bạn có thể giúp cho con ăn nếu vợ vắt sữa ra chai hay khi hai người cho bé ăn bổ sung hay thay thế hoàn toàn bằng sữa bột. Việc này vừa làm cho bạn gần gũi hơn với bé vừa giúp vợ bạn có thời gian phục hồi sức khỏe.
Bạn cũng có thể chăm sóc con một cách gián tiếp bằng cách giúp vợ làm việc nhà và để cô ấy có thời gian thư giãn với bé.
Đàn ông không biết cách chăm sóc trẻ nhỏ
Đây là một lời ngụy biện khiến cho các ông bố khó tạo lập được mối quan hệ gắn bó với con và cũng gây ra những lo lắng không cần thiết cho bà mẹ trẻ khi luôn sợ chồng không có khả năng chăm sóc bé. Thực tế không phải như vậy. Ai cũng phải học cách làm cha, làm mẹ. Không phải tự nhiên vợ bạn làm được mọi việc. Cô ấy phải học và bạn cũng vậy. Nếu bạn dành thời gian cho con, bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn và hiểu được khi nào bé cần gì. Muốn vậy, thỉnh thoảng, bạn hãy chủ động "đòi" chăm con và chứng tỏ cho vợ biết mình có khả năng xoay sở với mọi tình huống.
Những người đàn ông tập trung chăm sóc con khó mà thành công trong công việc
Đàn ông khẳng định mình bằng giá trị công việc và qua đó, họ mới cảm thấy mình được kính trọng. Nhiều người cho rằng những người đàn ông biết hy sinh và ưu tiên gia đình hơn hết thường khó vươn cao trong nghề nghiệp. Nhưng xã hội hiện nay đã khác. Nhiều đấng nam nhi thấy rằng cương vị làm cha là vô cùng quan trọng và đó cũng là một cách để nâng giá trị của họ lên.
Để làm người cha tốt, bạn chỉ cần học cách cha bạn đã làm với bạn
Tất nhiên, cha bạn sẽ có vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất lớn khi bạn bắt đầu lên chức "bố". Và theo lẽ tự nhiên, đó là một khuôn mẫu đầu tiên để bạn học hỏi khi muốn chứng tỏ vai trò với con cái. Nhưng thực tế, bạn có thể tham khảo và học hỏi ở rất nhiều người khác như thầy giáo, chú bác, anh trai, bạn bè... và tạo ra một cách riêng của mình.
Và sau hết, muốn thay đổi những quan niệm sai lầm trên để trở thành một ông bố tốt, bạn đừng quên:
- Chia sẻ cả cảm giác tích cực lẫn những lo lắng băn khoăn của bạn với vợ và những người sắp làm cha khác.
- Bế, ru và trò chuyện với con ngay khi bé mới sinh
- Học cách thay tã, tắm, cho con ăn và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của bé.
- Sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian dành riêng cho con.
- Ghi nhớ những điều bạn ấn tượng, yêu thích nhất về bố, thầy giáo, gia sư, bạn bè và những người họ hàng... của mình để có thể học hỏi và rút kinh nghiệm cho vai trò mới của mình.
Minh Thùy (theo Babycenter)