Steve Adcock, người Mỹ, 41 tuổi, là một chuyên gia về nghề nghiệp và tài chính. Ông nghỉ hưu sớm ở tuổi 35 sau 14 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ.
Ở các vị trí quản lý cấp cao, ông đã phỏng vấn hơn 100 ứng viên, nhưng phần lớn trong số họ không qua vòng thứ hai. Steve nói rằng, việc trả lời phỏng vấn tốt không chỉ nhằm mục đích là được tuyển dụng. Ẩn sâu trong đó là việc hiểu rõ cách phát triển mối quan hệ với mọi người ở nhiều khía cạnh của cuộc sống nghề nghiệp, chẳng hạn như điều hướng các mối quan hệ, giải quyết vấn đề, tìm kiếm khách hàng, diễn thuyết trước đám đông, thương lượng hoặc hoặc tăng lương.
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, Steve cho rằng 90% thành công ban đầu đều bắt nguồn từ một kỹ năng mà người trẻ thường thiếu, đó là gây ấn tượng trong buổi phỏng vấn. Và dưới đây là một số bí quyết được triệu phú chia sẻ.
Không có gì gọi là "ăn mặc quá chỉn chu"
Vị triệu phú từng chứng kiến nhiều người đến phỏng vấn xin việc với trang phục áo phông và quần bò, trong khi ông mặc sơ mi lịch sự. Nhưng ngay cả khi ứng viên có bộ hồ sơ đủ đáp ứng các điều kiện công việc, Steve vẫn đánh giá họ có khả năng phán đoán kém và xuề xòa.
Do vậy, ông khuyên người lao động nếu không chắc chắn về sự chuyên nghiệp của bộ đồ, hãy liên hệ với nhân viên ở bộ phận nhân sự để có thông tin về trang phục phù hợp.
Bên cạnh đó, ứng viên cũng nên mang theo sổ tay và bút để ghi chép, thể hiện sự chuyên nghiệp, có chuẩn bị.
Thành thật về những điểm có thể cải thiện
Khi nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu lớn nhất của ứng viên, điều họ thực sự đánh giá là mức độ tự nhận thức và kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhiều người trẻ hay nói điểm yếu lớn nhất của họ là "quá cầu toàn", theo những hướng dẫn trôi nổi, không có kiểm định trên mạng. Điều này khiến bản thân họ mất điểm.
Cách tốt nhất để trả lời là trung thực về những khó khăn bản thân gặp phải từ trước đến nay và cách làm để cải thiện điều đó.
Ví dụ như: Tôi có xu hướng hoàn thành các dự án vội vã, điều này đôi khi khiến tôi bỏ lỡ những chi tiết nhỏ. Hiểu rõ điều này, tôi bắt đầu làm việc với tốc độ ổn định hơn, suy nghĩ kỹ càng, thảo luận và trao đổi nhiều hơn với các thành viên nhóm.
Nhấn mạnh các kỹ năng giải quyết vấn đề độc đáo
Steve nói rằng có hai câu hỏi ông luôn thường đặt là cho các ứng viên "Hãy kể cho tôi nghe về lần bạn giải quyết sự cố thông thường bằng giải pháp độc đáo" và "Mô tả khoảng thời gian khi bạn gặp phải thất bại và cách bạn quản lý tình hình lúc đó".
Rất nhiều ứng viên đã gặp bế tắc và ấp úng khi gặp phải hay câu hỏi này, bởi họ thường tránh nói về những sai lầm của bản thân. Tuy nhiên Steve không lo lắng về những điều họ làm sai, bởi thất bại sẽ làm chúng ta trở nên tốt hơn. Điều ông quan tâm đến là cách ứng viên đánh giá thất bại và khắc phục, cũng như cách họ sẽ làm những điều tương tự khi nhận công việc trong nhóm.
Luôn hỏi ít nhất hai câu
Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội được đặt câu hỏi khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Steve Adcock đã nhận ra những người đặt câu hỏi sâu sắc thay vì về sớm trở sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và chứng tỏ "ứng viên có tư duy cầu tiến".
Steve gợi ý một số câu hỏi ứng viên có thể đặt ra với nhà tuyển dụng như: Thách thức thường xuyên phải đối mặt trong công việc là gì; Các dự án quan trọng nhất hiện tại của công ty là gì; Liệu công ty có giao cho tôi những dự án mà bản thân có thể học hỏi và sử dụng những kỹ năng mới không; Công ty có cung cấp các chương trình đào tạo cho nhân viên không...
Luôn chuẩn bị những câu chuyện hấp dẫn
Với Steve, một trong những dấu hiệu cho thấy ai đó có phù hợp với nhóm của ông hay không chính là khả năng kể chuyện. Đó có thể là những câu chuyện về kinh nghiệm đáng nhớ; một sự cố bất ngờ đã giúp bạn có được một khách hàng; hoặc cách bạn sử dụng sự hài hước để cứu công ty khỏi những tình huống bối rối. Những câu chuyện hay và hấp dẫn sẽ đem lại ấn tượng khó quên.
Hãy nhớ, có một câu chuyện hay cũng làm cho buổi phỏng vấn trở nên thú vị và ấn tượng hơn.
Minh Phương (Theo CNBC)