Năm 1997, trong bối cảnh Apple Inc thua lỗ hàng tỷ USD mỗi năm, đối mặt loạt khó khăn, thậm chí bên bờ vực phá sản, Steve Jobs quay lại vực dậy Apple, dù 11 năm trước, ông bị chính công ty mình đồng sáng lập sa thải. Ông lập tức triển khai chiến dịch quảng cáo táo bạo với slogan "Think different" (hãy suy nghĩ khác biệt), lập tức khiến giới công nghệ toàn cầu sửng sốt.
Ngay câu mở đầu chiến dịch, Steve Jobs nhấn mạnh: "Đây là những kẻ điên rồ, lạc lối, nổi loạn, gây rối hay chốt tròn trong lỗ vuông... Những người có cách nhìn khác biệt, họ không thích loạt quy tắc.
Bạn có thể trích dẫn, không đồng ý, tôn vinh hay phỉ báng họ, nhưng điều duy nhất không thể làm là phớt lờ họ vì họ thay đổi mọi thứ, thúc đẩy nhân loại tiến về phía trước. Trong khi một số người khẳng định họ điên rồ, chúng tôi lại thấy những thiên tài. Bởi kẻ đủ điên rồ nghĩ mình có thể thay đổi thế giới, chính là người làm được điều ấy".
Trên The Vector Impact, cây viết Anna Schmohe cho rằng sự thay đổi chỉ diễn ra khi "nghĩ khác" trở thành thói quen, thay vì hoạt động. Mọi người nên cân bằng giữa ước mơ lớn và kỳ vọng thực tế, từ đó đặt mục tiêu khả dĩ hơn. Đồng thời, hãy xem bộ não của bạn là cơ bắp, càng rèn luyện cách nghĩ mới, nó sẽ càng khỏe mạnh.
Trước câu hỏi "Thế nào là tư duy khác biệt?", ký giả Anna Schmohe lý giải đó là cách thay thế lối nghĩ hiện tại bằng loạt ý tưởng mới. Nó có thể thách thức tư duy của bạn, cộng đồng hoặc cả thế giới. Bởi nếu luôn mắc kẹt trong những điều cũ kỹ, không chịu thay đổi theo thời đại, bạn sẽ chẳng bao giờ khá lên.
"Đừng để suy nghĩ khác biệt là hoạt động chỉ thực hiện khi có cảm hứng. Thay vào đó, bạn nên biến nó thành thói quen hàng ngày, đủ sức tác động mọi vấn đề xung quanh cuộc sống bạn", ký giả tờ The Vector Impact nói.
Dưới đây là 5 cách biến suy nghĩ khác biệt thành thói quen.
Hạn chế suy nghĩ tiêu cực
Trong đời, ai cũng một lần có suy nghĩ tiêu cực, tuy nhiên, bạn không nên để nó tác động, cản trở tham vọng. Các nhà tâm lý học từng chỉ ra vô số vấn đề sức khỏe tâm thần bắt nguồn từ lối nghĩ này, đơn cử: trầm cảm, chứng lo âu, lo lắng mãn tính, rối loạn ám ảnh cưỡng chế...
Nghĩ tiêu cực dễ khiến bạn mất động lực, tự ti. Song, liên tục gượng ép bản thân phải nghĩ tích cực cũng là phương pháp độc hại. Hãy thử thay thế chúng bằng kỳ vọng thực tế. Ví dụ, thay vì chuyển "tôi không thể làm điều này" thành "tôi có thể làm", bạn hãy tự nhủ bản thân: "Sẽ cố hết sức thực hiện nó, nếu thất bại, tôi có thể thử lại đến khi thành công".
Tư duy thực tế có thể đem lại cho bạn sức mạnh, từ đó mạnh mẽ đón nhận thử thách và hoàn thiện cơ chế tự chữa lành bản ngã.
Đừng ngại đặt câu hỏi
Ngay cả những nhà lãnh đạo giỏi nhất cũng không ngừng học hỏi. Muốn dẫn đầu trong ngành mình, hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi giúp ích cho bản thân, hiểu thế giới xung quanh và có thêm suy nghĩ mới, khác biệt như: Cách nào để tôi thực hiện điều này? Làm sao cải thiện nó? Lý do mọi người suy nghĩ, hành động như vậy?
Trí tò mò luôn mở đường cho ý tưởng mới. Do đó, đừng lo nếu bạn vẫn không biết chắc mình nên bắt đầu từ đâu. Hãy làm theo điều trái tim, lý trí mách bảo.
Nhìn nhận tình huống từ nhiều góc độ
Nếu muốn nghĩ khác về một tình huống, bạn phải sẵn sàng xem xét loạt quan điểm khác. Đơn cử, nếu từng thưởng lãm tranh của Monet, bạn sẽ hiểu bản thân nên lùi lại mới có thể đánh giá tác phẩm. Nếu đến quá gần, tranh sẽ chuyển từ phong cảnh nhẹ nhàng sang những vệt màu mờ trên canvas.
Đôi khi chúng ta ở quá gần hoặc quá xa một sáng kiến, sáng tạo. Thay vì cứ theo lối mòn, hãy nhìn nhận suy nghĩ ấy trong khung toàn cảnh, rồi đi dần vào chi tiết nhỏ hơn của ý tưởng và đưa ra lựa chọn cuối.
Ngay cả việc "tắt não" trong một số thời điểm cũng có thể giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn. Ví dụ, khi tắm hoặc ngủ, tâm trí được thư giãn, đôi lúc khai thông ý tưởng mới. Ngoài ra, tập thể dục cũng là cách thúc đẩy sự sáng tạo. Các nghiên cứu cho thấy các môn thể chất như đi bộ, chạy, bơi... có tác dụng tăng cường hoạt động nhận thức
Tư duy cởi mở giúp bạn nhìn thấy mọi góc độ có thể xảy ra của một vấn đề và nghĩ ra giải pháp hiệu quả.
Dám ước mơ
Tờ The Vector Impact nhắc đến Martin Luther King Jr. (1929-1968) - nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi - để dẫn chứng trường hợp dám mơ mộng, theo đuổi lý tưởng và thành công nhờ suy nghĩ khác biệt.
Như rất nhiều người da đen, Martin Luther King Jr đã chứng kiến và từng là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Từ thời sinh viên, ông tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng mình. Giữa thập niên 1950 đến trước khi bị ám sát 1968, ông đi khắp nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết.
Điển hình, bài diễn văn "I have a dream" (Tôi có một giấc mơ), trước hơn 250.000 người ở Đài tưởng niệm Lincoln (Washington, Mỹ), ngày 28/8/1963, được đánh giá là một trong những bài diễn thuyết có sức ảnh hưởng nhất lịch sử nhân loại. Nó khơi dậy phong trào đấu tranh dân quyền, là bước đệm dẫn đến sự ra đời của đạo luật Dân quyền năm 1964 và Quyền bỏ phiếu năm 1965.
Mọi nhà lãnh đạo vĩ đại đều bắt đầu với ước mơ dựa trên đam mê của họ. Giấc mơ ấy không cần căn cứ, mà có thể phá vỡ các chuẩn mực xã hội hoặc khác biệt những điều bạn từng thử trước đây (đồng nghĩa chấp nhận rủi ro).
Đôi khi, có thể bạn không bao giờ thấy giấc mơ của mình thành hiện thực, nhưng điều đó không có nghĩa bạn thất bại. Hãy đặt mục tiêu nhỏ hơn, biến chúng thành bước đệm. Những thành công nhỏ sẽ giúp bạn có thêm động lực tiến về phía trước.
Ví dụ, muốn chạy marathon, bạn đừng lập tức lao vào cuộc đua đường dài, để nhận thất bại. Thay vào đó, nên bắt đầu bằng cách tập luyện từng chặng ngắn, đến khi đạt quãng đường mong muốn. Khi ấy, mỗi km bạn chinh phục đều là mốc son, đưa bạn đến gần mục tiêu cuối.
Tự phản hồi, tự hỏi bản thân
Không phải mọi ý tưởng bạn đưa ra đều thành công. Đôi khi sẽ có sai sót, nhưng không sai cả. Sai lầm là một phần của quá trình học hỏi, mỗi lần vấp ngã, bạn có thể rút kinh nghiệm, lần tới làm tốt hơn.
Lưu ý, mỗi khi có lựa chọn, sáng kiến hay ý tưởng, bạn nên đính kèm thông tin phản hồi. Hãy tự hỏi bản thân mặt tích cực, tiêu cực của ý tưởng đó. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến người thân trước khi ra quyết định cuối cùng.
Theo cây viết Anna Schmohe của tờ The Vector Impact, bộ não tương tự cơ bắp, càng hoạt động nhiều, nó càng mạnh mẽ. Do đó, khi bạn dành nhiều thời gian rèn cách nghĩ khác biệt, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. "Cuối cùng, bạn thậm chí không nhận ra mình đang ứng dụng 5 chiến lược trên để suy nghĩ sáng tạo bởi nó diễn ra rất tự nhiên", Anna Schmohe kết luận.
Thảo Ngọc (Theo The Vector Impact)
Nhằm giúp mọi người xây dựng phương pháp suy nghĩ khác biệt để đạt thành công trong công việc, sự nghiệp và học tập của mình, VnExpress thực hiện eBox chủ đề "Suy nghĩ khác biệt để thành công", với sự góp mặt đặc biệt từ MC song ngữ Phương Mai.
Qua 60 phút, eBox hướng dẫn bạn qua 5 bước quan trọng: Hiểu chính mình (nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu, trả lời được câu hỏi "Tôi là ai?"); Phân tích (nắm bắt xu hướng thị trường, tìm những cơ hội chưa được khai thác phù hợp với mình); Xác lập mục tiêu (đặt mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để có hướng đi rõ ràng); Tư duy ngược (học cách nhận thông tin từ góc độ khác, luôn đánh giá lại tình hình); Hành động (tập trung toàn lực vào hành động, chủ động học hỏi, sửa sai)...
eBox "Suy nghĩ khác biệt để thành công" mở cổng đăng ký với giá ưu đãi chỉ 149.000 đồng. Toàn bộ video được lưu lại vĩnh viễn trên eBox để độc giả xem bất lại cứ lúc nào. Ban tổ chức cũng tặng thêm chương trình "Nghệ thuật giao tiếp để thành công" cho 100 người đăng ký sớm nhất và 50 đơn hàng may mắn.
Để tham gia eBox, độc giả có thể đăng ký dễ dàng với tài khoản Google, Facebook hoặc tài khoản eBox nhanh chóng và bảo mật với Momo, Napas hoặc qua hình thức chuyển khoản. Xem chi tiết tại đây.
Hiếu Châu