Trong một báo cáo nghiên cứu về giáo dục có nêu: "10 năm quan trọng nhất của đời người là từ 18 đến 28 tuổi. Những hành động đúng đắn hay sai lầm trong quãng thời gian đó sẽ ảnh hưởng toàn bộ cuộc đời còn lại".
Để chọn lối cho con vào đời thật tối ưu trong quãng thời gian 10 năm đó, tôi đã hoạch định chiến lược, với đầy đủ 5 bước: Phân tích bối cảnh, xác lập mục tiêu, lên kế hoạch thực hiện, phân bổ nguồn lực và đo lường, đánh giá kế hoạch.
Phân tích bối cảnh để hiểu mình, hiểu con
Khác với chiến lược kinh doanh, trong chiến lược học tập, cha mẹ dẫn dắt và con thực hiện. Cha mẹ muốn làm nhưng con không làm được, hoặc không thích làm thì cũng chịu. Con chỉ làm được khi có đủ động lực và đủ năng lực. Vì thế cần phân tích ưu, nhược điểm, hiểu sâu về tính cách và sở thích của con để xác định môn học, ngành nghề nào con có thể làm tốt và phát triển trong sự nghiệp.
Việc phân tích nguồn lực tài chính của gia đình, quỹ thời gian dành cho con ra sao... đóng vai trò rất quan trọng. Nếu tiền bạc không dồi dào, cha mẹ cần bỏ nhiều thời gian và tâm sức để bù đắp cho con.
Sau khi phân tích các yếu tố bên trong, tôi dùng rất nhiều thời gian tìm hiểu kỹ về cơ hội việc làm, các ngành nghề phù hợp với tố chất và năng lực của con. Cuối cùng, tôi xem xét đến các trường đại học, học bổng trong và ngoài nước, sao cho phù hợp với con và tài chính gia đình.
Tôi có một đứa cháu họ, sức học bình thường, cha mẹ cháu lo làm lụng buôn bán nên tôi quan tâm nhiều đến cháu. Khi cháu chọn học trường cao đẳng, xét thấy cháu không có thiên hướng nổi trội ở lĩnh vực nào, tôi chọn ngành tài chính, vốn rất an toàn. Nhưng cháu chê nhàm chán và đổi sang cao đẳng kỹ thuật. Tiếc thay, cháu cũng không có khiếu về kỹ thuật nên khi ra trường lại vào làm trong ngành dịch vụ. Nhờ tháo vát, cháu được thăng tiến lên vị trí manager. Nhưng điều tiếc nuối của tôi là con đường sự nghiệp của cháu chỉ dừng lại ở đó.
Thông thường, để được thăng tiến lên vị trí quản lý cấp cao, cần học thêm bằng thạc sĩ về quản trị. Mà cái bằng cao đẳng kỹ thuật thì không thể học tiếp lên cử nhân thương mại. Nếu muốn, cháu phải học lại từ đầu. Bước qua tuổi 30, cháu vẫn loay hoay chưa có phương án nào khả thi. Cho nên, khi chọn học ngành gì, cần tìm hiểu rất kỹ cơ hội việc làm và nấc thang thăng tiến của nó.
Xác lập mục tiêu chuẩn xác
Mục tiêu là yếu tố cốt lõi, linh hồn của chiến lược. Ta thường nghe nói "tầm nhìn chiến lược", hàm ý mục tiêu có tầm nhìn đủ xa, rộng và sâu sắc hay không.
Mục tiêu chuẩn xác cần được định tính và định lượng. Nếu chỉ là các khái niệm chung chung sẽ rất khó đưa ra nhiệm vụ cụ thể, cũng như khó đo lường kết quả. Mục tiêu càng cụ thể càng tốt. Nhiều bạn bè của tôi thường đưa ra các mục tiêu rất mơ hồ như: "Mình chỉ muốn con có một cuộc sống hạnh phúc là đủ". Nhưng thước đo của hạnh phúc là gì, bạn không nói rõ được.
Việc xác định mục tiêu chính xác là việc khó nhất và quan trọng nhất. Nếu mục tiêu sai thì chiến lược đương nhiên sẽ thất bại. Chiến lược càng dài hạn, tính khả thi sẽ cao, nhưng ngược lại chiến lược dài hạn sẽ khiến việc xác định mục tiêu quá xa trở nên rất khó khăn. Việc phân tích bối cảnh thật sâu sắc ở bước đầu tiên sẽ giúp thiết lập mục tiêu chính xác hơn.
Khi đã xác định được mục tiêu thì các kế hoạch hành động phải luôn bám sát theo. Đây gọi là tính nhất quán của chiến lược. Nếu mục tiêu thay đổi nhiều lần thì có nghĩa chiến lược đã sai từ đầu.
Mới đây, có một trường hợp nhờ tôi tư vấn. Con bạn đã học tiếng Đức được 5 năm, nhưng giờ gia đình lại không muốn con du học Đức nữa. Bạn nhắn tin nhờ tôi hướng dẫn cách học tiếng Anh cấp tốc. Mục tiêu thay đổi, hiện vẫn còn hơn 2 năm để làm lại từ đầu, nhưng tôi tiếc thời gian của cháu.
Mục tiêu có 3 loại. Goal là mục tiêu lớn nhất, có tính dài hạn, thường nói về mục đích cuộc sống và hoài bão của cuộc đời mỗi người. Objective là mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn (3-5 năm). KPI là mục tiêu nhỏ của từng nhiệm vụ (task) cần thực hiện.
Để đạt được mục tiêu to lớn trong đời (Goal), chúng ta cần hoàn thành thật tốt các mục tiêu nhỏ (KPI). Tôi từng nghe rất nhiều bạn, dùng những từ đao to búa lớn, nói những điều mênh mông vĩ đại. Tiếc thay, trong những việc nhỏ nhất, các bạn còn làm chưa xong, chưa tốt thì vĩnh viễn ước mơ chỉ là mơ mộng. "Said easy than done", nói thì hay lắm, làm có dễ đâu.
Lên kế hoạch hành động
Chiến lược dù có hay đến đâu mà không có kế hoạch hành động cụ thể thì cũng vô nghĩa. Ngài Warren Buffett từng nói: "Một kẻ ngốc có kế hoạch có thể đánh bại một thiên tài không có hoạch định" (An idiot with a plan can beat a genius without a plan).
Từ chiến lược dài hạn (10-15 năm), tôi chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn là chiến lược trung hạn (3-5 năm), sau đó lên kế hoạch hành động cho từng năm. Ở các giai đoạn đầu, khi con còn nhỏ, chúng ta dễ dàng tạo sự ảnh hưởng và dẫn dắt. Vì vậy, ngay từ sớm, cha mẹ nên tập trung làm "công tác tư tưởng" để giúp con hình thành tư duy, tạo động lực. Con càng lớn, càng có chính kiến riêng, chúng ta chỉ có thể phối hợp, chứ khó tác động được nhiều.
Kế hoạch năm bao gồm các yếu tố: Nhiệm vụ cần làm (what), thời gian hoàn thành (when), thực hiện thế nào (how). Kế hoạch có thể linh động thay đổi, miễn sao vẫn theo đuổi để đạt được mục tiêu đề ra.
Phân bổ nguồn lực
Các nguồn lực đến từ cả cha mẹ và con. Nếu cha mẹ nhiều tiền, con học giỏi thì vấn đề trở nên rất đơn giản. Trường hợp nhà tôi, con trai đầu học khá tốt, con trai thứ hai học bình thường, tiền bạc lại không dư giả nên việc phân bổ nguồn lực là điều tôi đau đáu mỗi ngày. Làm sao, trong một giới hạn nhất định của mẹ và con, mà các con vẫn thành đạt và có một vị trí vững vàng trong xã hội?
Theo kinh nghiệm của tôi, tiền bạc và tâm sức của cha mẹ thường sẽ tỷ lệ nghịch. Cha mẹ giàu sẽ ung dung giao phó con cho trường quốc tế. Cha mẹ ít tiền thì càng nên đầu tư thật nhiều tâm huyết, thời gian và công sức cùng con.
Có 3 nguồn lực chính là tiền bạc, thời gian và công sức học hành của con. Trong đó, công sức của con là quý nhất. Đừng tham lam bắt con học những thứ vô ích khiến con không thể, hoặc khó đạt mục tiêu. Kế đến là thời gian của con, vô cùng quý giá. Hãy thật thận trọng khi chọn trường, lớp, môn học... cho con, đừng để con phí hoài thời gian cho những gì không thích đáng.
Đối với con nhà nghèo, việc phân bổ nguồn lực tối ưu là chiến thuật quan trọng. Nhờ vào việc tập trung nguồn lực cho mục tiêu, chỉ trong 3 năm, con gái tôi, khi học lớp 5, đã đạt thang điểm cao nhất của chứng chỉ PET, nhanh hơn tốc độ học bình thường 3-4 năm. Nếu tham lam ép con học nhiều thứ, mà những thứ đó không giúp gì cho mục tiêu cốt lõi, thì ta đã phí phạm nguồn lực vô ích.
Đo lường, đánh giá kế hoạch
Chiến lược vốn dài hạn nên rất dễ lạc đường. Tuy nhiên, mục tiêu chính là kim chỉ nam để chúng ta hướng về nó. Tôi luôn xem xét và loại bỏ ngay khi thấy bất cứ kế hoạch, việc làm nào không giúp đạt mục tiêu.
Việc đo lường kết quả cần được đánh giá theo từng tháng, quý hoặc nửa năm. Đừng đợi đến hết năm mới xem xét kết quả, lúc đó không còn thời gian để khắc phục. Dựa vào kết quả, ta xem xét lại (review) kế hoạch, xác định phương hướng sắp tới, để kịp thời sửa sai, cải thiện và bổ sung nếu cần, tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.
Tôi luôn tự hỏi "Việc này, con đường này, cách thức này, môn học này, thầy cô giáo này... có giúp con đạt được mục tiêu hay không?". Nhờ tự chất vấn và phân tích, tôi có thể vững tin tiếp tục hành trình đó, hoặc sẵn sàng thay đổi khi cần.
Chị Phạm Xuân Hương, thạc sĩ marketing quốc tế, đã và đang đảm nhiệm vị trí Strategic Marketing Director tại các công ty dược trong và ngoài nước. Chị có 3 con, con trai đầu 26 tuổi, du học ở Australia, đã định cư và làm manager tại Melbourne. Con trai thứ 24 tuổi, tốt nghiệp trường Vatel của Pháp, đang là manager cho một doanh nghiệp F&B của Pháp tại Việt Nam. Con gái út 11 tuổi, đạt học bổng 100%, học vượt lớp hệ phổ thông trực tuyến của Nisai Global School (thuộc tổ chức giáo dục Cambridge - Anh quốc).
Phạm Xuân Hương