Cô Nguyễn Thị Anh Thư, giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ, dạng bài đọc hiểu - điền từ xuất hiện phổ biến trong đề thi Tiếng Anh vào lớp 10 tại TP HCM. Thí sinh cần nắm chắc và thực hiện theo 5 bước sau để hoàn thành tốt dạng bài này.
Bước 1: Đọc lướt đoạn văn để nắm được các thông tin cơ bản của đoạn văn.
Bước 2: Đọc đáp án. Học sinh nên xem các đáp án của câu hỏi, xác định các câu hỏi thuộc loại gì (về ngữ pháp hay lựa chọn từ).
Bước 3: Đọc kỹ đoạn văn. Học sinh nên đọc kỹ câu chứa câu hỏi và các câu liền kề (trước và sau) để tìm thông tin trả lời. Không cần phải đọc để hiểu tất cả thông tin. Hãy đọc kĩ phần chứa những thông tin liên quan đến câu hỏi.
Bước 4: Đọc cả bài. Nếu đã sử dụng hết các bước ở trên mà vẫn chưa tìm được câu trả lời thì học sinh cần đọc kĩ cả bài để tìm ra thông tin cần thiết.
Bước 5: Lựa chọn. Với các câu hỏi dễ, nhìn là thấy ngay đáp án, học sinh có thể trả lời luôn, không cần phải đi qua các bước ở trên. Sau đó, học sinh cần phải xem hết tất cả các đáp án, vì câu hỏi thường có một đáp án gần đúng và một đáp án đúng. Đa số học sinh thường mất điểm ở những câu hỏi này, do vậy phải cẩn trọng ở bất cứ dạng bài nào.

Cô Nguyễn Thị Anh Thư, giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Cô Nguyễn Thị Anh Thư cho biết, mỗi bài đọc hiểu điền từ sẽ có 5 chỗ trống, mỗi chỗ trống sẽ có 4 đáp án lựa chọn. Đây là dạng bài có mục đích kiểm tra kiến thức về mặt ngữ pháp, từ vựng và khả năng đọc - hiểu đoạn văn của thí sinh, do đó, thí sinh cần nắm chắc kiến thức ngữ pháp, bao gồm cách dùng từ (word families) và các thì của động từ. Đối với phần từ vựng, kiến thức sẽ tập trung ở các phần trạng từ chỉ tần suất, từ nối, giới từ, các từ chuyển tiếp, các từ vựng thông thường dễ gây nhầm lẫn.
Để giúp học sinh có một kế hoạch ôn luyện hiệu quả và đạt được kết quả cao nhất trong kì thi vào 10 sắp tới, cô Nguyễn Thị Anh Thư cũng đưa ra một số gợi ý: "Các em không thể học hết tất cả các kiến thức còn thiếu vì không còn đủ thời gian. Vì vậy, cần hệ thống lại tất cả những kiến thức quan trọng đã xuất hiện trong chương trình Trung học cơ sở, từ ngữ pháp, từ vựng tới các dạng bài cụ thể. Các em có thể dành thời gian tập trung luyện đề như khi đi thi, sau đó nhờ giáo viên sửa giúp", cô Thư nói.
Theo cô Nguyễn Thị Anh Thư, khi học sinh làm thử được khoảng 5 đề thi nên tổng kết lại những lỗi sai thường mắc, tìm cách xử lý các dạng bài. Trước khi đi thi, học sinh không cần học dồn dập mà nên dành thời gian nghỉ ngơi và xem lại những đề bài đã làm để tập trung nhiều hơn vào những câu thường làm sai để khắc phục.
Nguyễn Lê