Ngày thứ hai thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu tiếp tục phân tích trách nhiệm của các bộ ngành trong trong việc dự báo, tham mưu cho Chính phủ không kịp thời, thậm chí còn sai. 5 bộ trưởng đã lên tiếng giải trình.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng đặt hàng loạt câu hỏi: "Vì sao điện cắt liên tục, lỗi ở bộ nào, trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu? Vì sao phải nhập khẩu muối, ngô, thịt, trong khi điều kiện của đất nước chúng ta có đủ và dư thừa? Vì sao nói vốn ODA vào nhiều như vậy, nhưng giải ngân chỉ được 20%, trách nhiệm này ở khâu nào?".
Đại biểu Trần Tiến Cảnh cho rằng vai trò điều hành của Chính phủ trong việc dự báo nhận định tình hình kinh tế, thị trường thế giới và trong nước vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời. Ví dụ, tháng 4 vừa qua giá gạo trên thế giới có lúc lên đến 1.200 USD một tấn, Việt Nam tạm dừng xuất khẩu, vì cho rằng miền Bắc vụ chiêm bị thiếu hơn triệu tấn, nhưng trên thực tế miền Bắc lại được mùa. Một thời gian sau giá gạo xuống gần 600 USD một tấn, nông dân bị thua thiệt.
Đại biểu Nguyễn Đăng Vang lấy dẫn chứng khác. Tổng cục Thống kê tính toán nuôi con gà một năm nặng 1,5 kg và 226 triệu gia cầm cả nước mới được 358.000 tấn thịt. Thực tế nuôi gà quay vòng 2-5 lứa một năm, với số gia cầm ấy thì phải được 1 triệu tấn thịt. "Chính vì số liệu sai, được lấy theo bảng giá cố định từ năm 1994, nên chúng ta đánh gía cung và cầu không chính xác, dẫn đến nhập khẩu thịt, làm ảnh hưởng gần 7,5 triệu hộ chăn nuôi", ông Vang nói.
Cho rằng công tác dự báo là rất khó, khó như dự báo thời tiết, tuy nhiên đại biểu Bùi Văn Duôi vẫn cho rằng Chính phủ cần nói rõ khuyết điểm, yếu kém của bộ ngành nào. "Chúng ta chưa có văn hóa từ chức, nhưng tôi nghĩ cơ quan nào, người nào góp phần làm cho nông dân bị thiệt hại về giá gạo, chăn nuôi và những thiệt hại khác thì ít nhất cũng nợ nhân dân và Quốc hội một lời xin lỗi", ông Duôi nói.
Đại biểu phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN.. |
Giải tỏa bức xúc của đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng nói dự báo giá gạo không chính xác dẫn đến Chính phủ dừng xuất khẩu vào thời điểm giá cao là không đúng. Ông giải thích, tháng 3 miền Bắc rét đậm, phải lùi thời vụ gieo cấy, tin đồn thiếu gạo làm giá tăng đột biến. Mặt khác, cuối tháng 3, doanh nghiệp mới giao được 800.000 tấn trong khi đã ký hợp đồng được 2,4 triệu tấn gạo.
Tình hình đó không thể cho ký tiếp hợp đồng xuất khẩu vì có doanh nghiệp chạy đua mua gạo, tiếp tục đẩy giá lên cao. Chính phủ buộc phải tạm dừng ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo đến hết tháng 6, chứ không phải tạm dừng xuất khẩu. "Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm và thấy rằng đã quyết định đúng đắn, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Mong rằng bà con chia sẻ quyết định rất khó khăn của Chính phủ", ông Phát nói.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định nhận định trong báo cáo của Chính phủ là hoàn toàn chính xác. "Chúng tôi dự báo tăng trưởng năm 2008 khoảng 6,7%. Chỉ số giá tiêu dùng hai tháng 8 và 9 gần như không tăng và chỉ số giá 10 tháng vào khoảng 21,64%. Đến thời điểm này chúng tôi đang dự báo con số tăng giá ở mức khoảng 22%", ông Phúc mình chứng.
Đánh giá về tình hình kinh tế năm 2009, Bộ trưởng Phúc cho rằng tình hình còn khó khăn hơn do các nước châu Á, nơi chiếm tới 80% dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, bị tác động lớn. Một loạt nước phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. "Từ đó chúng tôi dự báo khả năng tăng trưởng nếu giữ được mức như năm 2008 là thành công lớn, nhưng đề phòng khả năng có thể thấp hơn và phải có điều chỉnh nhất định", ông Phúc nói và xin tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của đại biểu để đánh giá lại tình hình, sau đó có báo cáo bổ sung trình Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đánh giá khủng hoảng tài chính thế giới khiến năm 2009 thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp, xuất khẩu, tài chính, ngân sách tiền tệ, thị trường chứng khoán, tiền tệ đều bị tác động. Từ đó, ông Ninh cho rằng nên giữ tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5% và sẽ phải điều chỉnh giá xuất khẩu dầu thô. "Ngày mai, khi thảo luận về tình hình ngân sách tôi sẽ báo cáo tiếp", ông Ninh hứa hẹn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cũng giải thích rõ hơn về một số chính sách an sinh xã hội, chế độ cho giáo viên mầm non.
Hồng Khánh