Ngày 3/4, vẫn có thêm bệnh nhân tiêu chảy được đưa vào bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đoàn thanh tra này sẽ kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên quy mô toàn quốc. Trong 2 ngày 4 và 5/4, tại Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh thực phẩm sẽ đến các chợ và các điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Những cơ sở không đảm bảo an toàn sẽ bị buộc ngừng hoạt động.
Kiểm soát thực phẩm được ngành y tế coi là một giải pháp tối quan trọng để kiểm soát dịch tiêu chảy cấp, nhất là khi dịch đang có xu hướng lan rộng như hiện nay. Người bị tiêu chảy vẫn tiếp tục được đưa đến các bệnh viện. Đến nay, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã tiếp nhận 161 bệnh nhân, bệnh viện Xanh Pôn hơn 40 người, bệnh viện Đống Đa gần 30.
Tại Hải Phòng, số ca tiêu chảy vẫn tăng với 47 trường hợp, đến từ 8 quận, huyện. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 34 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Hiện có 22 người xuất viện.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng cục Y tế dự phòng và Môi trường, khẳng định nguy cơ dịch lây lan sang diện rộng là rất lớn, thậm chí vào cả miền Trung và miền Nam do sự di chuyển của những người lành mang bệnh. Có đến 75% người nhiễm khuẩn tả không biểu hiện triệu chứng và họ có thể phát tán mầm bệnh ra môi trường qua nhà vệ sinh trên tàu hỏa, qua các nhà tiêu không hợp vệ sinh đang có mặt khắp nơi. Một điều tra toàn quốc mới đây cho thấy, chỉ 1/5 số hộ gia đình, 1/8 số trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và 1/3 số trạm y tế xã có nhà tiêu đạt chuẩn.
Để hạn chế nguy cơ tiêu chảy cấp, ông Nga khuyến cáo người dân triệt để ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tuyệt đối không ăn ở những hàng quán không sạch...
Cục Y tế dự phòng cũng đã yêu cầu các nhà máy nước ở Hà Nội tăng cường hàm lượng clo trong nước máy để bảo đảm tiệt trùng. Ông cũng khuyến cáo người dân nên loại bỏ thói quen ăn rau sống trong bữa ăn hằng ngày.
Hải Hà