Chuyên gia tâm lý Jamie Cannon (Đại học Wyoming, Mỹ) cho biết rất nhiều nghiên cứu cho thấy khi có cha mẹ tự luyến - tức là những người yêu bản thân hơn con, đứa trẻ khi trưởng thành thường sống trong lo lắng và hay né tránh.
Jamie Cannon chỉ ra 5 quy tắc nuôi dạy con của những cha mẹ mắc chứng tự luyến như sau.
Luôn đặt mong muốn của cha mẹ lên hàng đầu
Trong mối quan hệ cha mẹ - con cái lành mạnh, nhiều người chấp nhận bỏ sở thích cá nhân sang một bên vì hạnh phúc của con. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa mọi nhu cầu của trẻ được đặt lên hàng đầu. Cha mẹ hiểu đôi khi cần phải hi sinh trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ.
Nhưng người tự luyến không coi nhu cầu của con ngang bằng với họ. Trong mắt nhiều người, quan trọng phải là mong muốn của bản thân, vì nghĩ con là ''cấp dưới'', tồn tại để báo hiếu và tôn kính mình.
Theo quan điểm của họ, trẻ phải nghĩ như mình, có nhu cầu giống mình. "Nếu không giống, trẻ phải từ bỏ'', Cannon nói.
Vì vậy, những đứa trẻ thấy không nên thể hiện nhu cầu, đặc biệt nếu trái ý cha mẹ. Chúng kìm nén và âm thầm chịu đựng hoặc hành động theo cách không phù hợp với tình huống hiện tại, bởi chúng hiểu trong mắt cha mẹ, mình không quan trọng.
Con chỉ yêu nếu làm mọi điều cha mẹ yêu cầu
Những người nuôi dạy con lành mạnh thường khuyến khích trẻ phát triển, bày tỏ quan điểm riêng. Đó là một phần của quá trình trưởng thành, độc lập, cũng như xây dựng ý thức lành mạnh về bản thân.
Nhưng cha mẹ tự luyến muốn con tuân theo không thắc mắc. Việc đặt câu hỏi về các quyết định, dù theo cách lịch sự và phù hợp, cũng bị xem là thiếu tôn trọng.
"Trong mắt họ, tôn trọng là luôn đồng ý hoặc phải giả vờ đồng ý'', Jamie Cannon nói.
Cảm xúc của con bị coi nhẹ
Cha mẹ nuôi dạy con lành mạnh khuyến khích nhận thức về cảm xúc ở trẻ, giúp con biết đồng cảm. Nếu con lớn lên mà không thể nhận ra hoặc hiểu cảm xúc của mình, chúng gần như không thể đồng cảm với người khác.
Cha mẹ tự luyến tin cảm xúc của con chỉ có giá trị nếu phù hợp với cảm xúc của họ. Một đứa trẻ thể hiện cảm xúc trái ngược thường bị coi là kẻ sai trái.
Bị nuôi dạy như vậy nên con cái họ lớn lên với niềm tin cảm xúc của mình không có giá trị, không nên thể hiện. Chúng cố đoán cảm xúc của người khác và bắt chước họ, thay vì thực sự hiểu và trải nghiệm cảm xúc của chính mình.
Mối quan hệ cha mẹ và con cái là công cụ
Mối quan hệ lành mạnh được xây dựng trên sự có đi có lại và hoạt động trên sự đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau. Nhưng người tự luyến cho rằng mối quan hệ chỉ là công cụ dùng để đạt được mong muốn của bản thân.
Cha mẹ tự luyến xem quan hệ với con là phương tiện đạt mục đích, là cách nhận sự ngưỡng mộ từ người khác hoặc một hình thức để nhận diện.
''Trong một số trường hợp, họ xem đó là loại bảo hiểm: nếu mình chu cấp vật chất cho con, giờ con nợ họ'', nhà tâm lý cho biết.
Không bao giờ chịu trách nhiệm
Xung đột là không tránh khỏi trong các mối quan hệ, nhưng có thể giải quyết nếu được xử lý phù hợp. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ tự luyến, xung đột không bao giờ thực sự được giải quyết vì họ không chịu trách nhiệm.
Những cha mẹ yêu bản thân hơn con hiếm khi xin lỗi một cách chân thành nếu làm tổn thương con mà thường đổ lỗi cho trẻ.
Nhật Minh (Theo Psychology Today)