Theo Robyne Hanley-Dafoe, giáo sư tại Đại học Trent (Canada) có các bài học quan trọng cha mẹ cần lưu ý để thay đổi cách tương tác với con.
Luôn giữ gương mặt rạng rỡ khi trẻ bước vào phòng
Đây hoàn toàn là một hành động đơn giản nhưng có thể có tác động đáng kể đến một đứa trẻ. Khuôn mặt của bạn sáng lên có khả năng truyền tải sự ấm áp, tình yêu và hạnh phúc mà không cần lời nói, đồng thời cung cấp cho trẻ sự xác nhận và an tâm.
Khi ôm, nên để trẻ buông ra trước
Những cái ôm nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc, an toàn và tin tưởng của cha mẹ với trẻ. Việc ôm có khả năng làm dịu hệ thần kinh và cho những người thân yêu biết họ được an toàn.
Trên thực tế, cha mẹ có thể không biết chính xác con mình cần gì để lấp đầy cảm xúc của chúng. Do đó, cái ôm vội vàng trong 10 giây hay một cái ôm thật lâu có thể chứa đựng nhiều tâm tư của trẻ. Chỉ cần để chúng chủ động buông tay, bạn cho chúng biết chúng luôn được yêu thương và hỗ trợ.
Chơi với trẻ
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã hỏi trẻ "Khi nào cháu cảm thấy được cha mẹ yêu thương nhất?" và câu trả lời là "Khi họ chơi với cháu". Điều đó cho thấy không phải những kỳ nghỉ xa hoa, những bữa tiệc sinh nhật hay những bàn ăn được bày biện hoàn hảo mà chơi cùng trẻ rất có ý nghĩa với chúng.
Vui chơi củng cố mối liên kết và hỗ trợ sự phát triển của trẻ theo vô số cách. Nó là cửa ngõ dẫn đến sự đồng cảm, giao tiếp và các mối quan hệ. Cha mẹ nên tìm những giây phút thoải mái và cho phép mình bước vào thế giới của trẻ và tham gia vào cuộc vui với trẻ.
Hãy là người hỗ trợ, không phải người giải cứu
Hầu hết cha mẹ đều muốn chuẩn bị tốt nhất cho con mình trước những thử thách cuộc sống, tuy nhiên hầu hết cha mẹ có xu hướng "nhảy vào giải cứu" hơn là cho chúng không gian để giải quyết vấn đề và phát triển sự tự tin vào khả năng vượt qua khó khăn.
Ví dụ, nếu bạn đón con đi học về mỗi khi chúng cảm thấy lo lắng thì đây chính là sự giải cứu. Nếu bạn dạy trẻ những kỹ năng và công cụ để điều hướng sự lo lắng thì bạn đang hỗ trợ trẻ.
Trên thực tế, trẻ cần những người hỗ trợ để cho phép chúng học cách đương đầu và phát triển giữa những khó khăn, vấp ngã, thất bại và mắc sai lầm, để chúng có thể dũng cảm phát triển trong tương lai.
Trò chuyện trực tiếp, sẵn sàng lắng nghe
Khi trẻ tìm đến bạn, chúng chỉ muốn ai đó lắng nghe, đồng cảm với cảm xúc và chứng thực trải nghiệm của chúng.
Trong các cuộc trò chuyện trực tiếp, cha mẹ nên là người lắng nghe nhiều hơn là tranh luận. Ngồi cùng nhau, trò chuyện trong ôtô hoặc trò chuyện trong bếp khi tham gia các hoạt động khác có thể tạo ra bầu không khí thoải mái và thân mật hơn, khiến trẻ cảm thấy thoải mái hơn và có xu hướng chia sẻ cởi mở hơn. Cách tiếp cận này có thể giúp nuôi dưỡng cảm giác tôn trọng lẫn nhau và tạo điều kiện cho các cuộc trò chuyện có ý nghĩa và hiệu quả hơn.
Thùy Linh (Theo Psychology Today)