Chiều 7/12, tại họp báo về Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quy mô cộng đồng doanh nghiệp số từ số lượng doanh nghiệp đến nhân lực đều tăng trưởng trong bối cảnh Covid-19. "Nhân lực công nghệ số tăng 5% trong thời gian vừa qua, tức là thêm khoảng 60.000 lao động", ông Long cho biết. Còn số lượng doanh nghiệp tăng thêm 5.600 so với năm 2020.
Thứ trưởng khẳng định môi trường kinh tế không tiếp xúc, môi trường làm việc không tiếp xúc thúc đẩy quá trình chuyển đối số diễn ra mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin cũng cho biết, trong 2020, hơn 30 nền tảng được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đều là sản phẩm "Make in Vietnam". Rất nhiều sản phẩm liên quan đến an toàn thông tin cũng được các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra. Năm 2021, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chuyển sang công nghệ mới 4.0, nghiên cứu các sản phẩm thiết bị 5G, các thiết bị sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. "Đây là điều trước đây chưa từng có", Phó Vụ trưởng nói.
"Sự tăng trưởng của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam rất ấn tượng. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, hầu như kinh tế thế giới đều tăng trưởng âm, Việt Nam là một trong những điểm sáng với tăng trưởng GDP đạt 2,9%. Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trên 9%, gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP", ông Tuyên nói.
Nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp lớn trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, ông Phạm Đức Long nhận định, các doanh nghiệp lớn có đủ nguồn lực, tiềm lực để giải quyết các bài toán lớn của quốc gia thông qua việc xây dựng và phát triển các nền tảng lớn. Trên nền tảng đó, cộng đồng các doanh nghiệp cùng chung tay để phát triển, triển khai những ứng dụng số, giải quyết những bài toán kinh tế số và xã hội số. Điều này giúp phục hồi và phát triển kinh tế.
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số được tổ chức ngày 11/12 là nơi các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận giải pháp phát triển ngành công nghệ số, tôn vinh và quảng bá cho sản phẩm "Make in Vietnam".
Theo ông Phạm Đức Long, "Make in Vietnam" không chỉ bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam mà còn các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, thiết kế, nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo. "Họ thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, đấy cũng là sản phẩm Make in Vietnam", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói.
Đây là năm thứ ba Diễn đàn được tổ chức. Do ảnh hưởng của Covid-19, Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại UBND tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam.
Chủ đề năm nay là "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế" nhằm xây dựng và phát triển các nền tảng số, giải pháp số để chuyển đổi số, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Diễn đàn có sự tham dự của và phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Chương trình bao gồm hai phiên tham luận chính bàn về doanh nghiệp công nghệ số giải các bài toán chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch Covid-19.
Tại đây, các diễn giả sẽ phân tích Nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp đến việc ứng dụng chuyển đổi số trong từng ngành từ Du lịch, Logistic, Nông nghiệp, Y tế đến Năng lượng cũng như thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số để đẩy mạnh giao thương trong và sau đại dịch.
Hàng loạt chủ đề thảo luận với lịch trình dày đặc, từ vấn đề Xây dựng "Bình thường Xanh" đến phát triển nhân lực số, An toàn trên môi trường số đến nền tảng định danh số hứa hẹn mang đến những bài thuyết trình chất lượng và các phiên thảo luận sôi nổi tại sự kiện.
Châu Vũ
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2021 với sự đồng hành của Viettel, G-Group, VNPT, Mobifone, IOTLink (nền tảng Map4D) và Xelex, Grab, Lenovo...
Các doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký tại đây.