Tính riêng trong quý II, lượng kiều hối chuyển về thành phố tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ và đạt 2,3 tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước TP HCM.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho biết, khu vực châu Á vẫn đóng góp tỷ trọng cao nhất, chiếm 56% kiều hối chảy về thành phố. So với cùng kỳ năm trước, lượng kiều hối chảy từ khu vực này tăng trưởng mạnh gần 50%, nhờ nguồn nhân lực và thị trường lao động tích cực.
Bên cạnh các yếu tố khách quan như kinh tế chính trị xã hội, lao động việc làm và thu nhập, ông Lệnh đánh giá việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối có vai trò quan trọng để tăng nguồn lực "vàng" này.
Theo đó, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM nhận định cần tiếp tục có chính sách về ngoại hối, thu hút kiều hối, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối.
Bên cạnh đó, theo ông, nguồn lực kiều hối cần được sử dụng hiệu quả để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính như trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa. Đây là giải pháp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư...
Hằng năm, TP HCM là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Năm ngoái, lượng kiều hối về thành phố gấp 2,7 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.
Quỳnh Trang