Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm các khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) cho biết, theo thống kế của HEPZA, nửa tháng sau Tết, hơn 90% lao động đang có việc làm về quê ăn Tết đã trở lại đơn vị.
Riêng những người bị mất việc, thôi việc, từ cuối tuần trước đến nay đã gia tăng lượng nộp hồ sơ tại các khu công nghiệp, chế xuất lên khoảng 20% so với tuần đầu tiên sau Tết. "Người lao động từ các tỉnh đã bắt đầu quay trở lại TP HCM tìm việc mới sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, phần đông họ bị mất việc từ hồi cuối năm ngoái", ông Tùng nói.
Trung tâm giới thiệu việc làm các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM nắm toàn bộ lượng lao động tìm việc cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn thành phố.
Người lao động tìm thông tin tuyển dụng tại các Trung tâm giới thiệu việc làm. Ảnh: B.H. |
Theo ông Tùng, nhu cầu tuyển hiện tập trung vào ngành thủy hải sản, may mặc, cơ khí, vị trí tuyển dụng bao gồm cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, chuyên môn cao. Nhu cầu tuyển này phát sinh do doanh nghiệp có thêm đơn hàng nên cần thêm nhân công. Một số đơn vị tuyển nhằm trám những chỗ trống cần thiết nhất để vận hành guồng máy do lao động đã nghỉ việc trước Tết.
Ngoài lao động thất nghiệp chuyển từ công ty này sang công ty khác trên địa bàn TP HCM, hiện còn có trường hợp một số doanh nghiệp ở các tỉnh phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động, hoặc phá sản. Lượng lao động bị dôi ra này lại tìm đến các khu công nghiệp ở TP HCM xin việc, ông Tùng cho biết thêm.
Dự kiến năm 2009, nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố chỉ vào khoảng 20.000-25.000 lao động, giảm gần 50% so với năm trước, do các doanh nghiệp lớn không còn tuyển rầm rộ như mọi năm.
Tìm việc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm từ những ngày cận Tết, anh Hùng Tú hy vọng sẽ nhanh chóng được tuyển ở vị trí công nhân cơ khí, chấp nhận cả làm việc ngoài giờ để bắt nhịp ngay với công việc sau Tết, đồng thời có tiền trang trải các khoản chi tiêu. Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ đã nộp nhưng vẫn chưa có hồi âm từ phía doanh nghiệp. Anh nói: "Tôi đang lo không biết sắp tới gia đình lấy gì để sống vì tiền dự trữ mấy năm qua khi có việc làm đã sắp hết sạch rồi". Cuối năm ngoái khi nghỉ việc, anh Tú nhận lương và trợ cấp thất nghiệp tổng cộng 11 triệu đồng.
Để tháo gỡ áp lực lao động thất nghiệp trên địa bàn TP HCM, trong hai ngày 28/2 và 1/3, "Sàn giao dịch việc làm 2009" sẽ diễn ra với sự tham gia của 50 doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho khoảng 5.000 lao động.
Hoạt động lần này nằm trong mục tiêu năm nay giải quyết việc làm cho 270.000 người thất nghiệp trên địa bàn TP HCM, do Thành đoàn cùng Sở Lao động Thương binh Xã hội tổ chức. Số liệu của Sở khảo sát ở 461 doanh nghiệp cho thấy đến cuối năm 2008, hơn 35.000 người lao động tại thành phố mất việc làm. Trong khi đó Sài Gòn có hơn 100.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau nên lượng người không có việc làm chắc chắn nhiều hơn con số của Sở Lao động.
Ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TP HCM cho biết, Sở cũng đã đề nghị một số trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề và những doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm, trở thành cầu nối liên kết giúp những người lao động mất việc đến với các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Qua đó, góp phần hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc hoặc có nguy cơ mất việc.
Bạch Hường