Đây là hoạt động nằm trong Dự án tăng cường quản lý ung thư vú năm 2022 - 2023, do Viện Ung thư Quốc gia, Bệnh viện K, Sở Y tế Bắc Ninh tổ chức với sự hỗ trợ của một hãng dược.
GS. TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, tại lễ phát động Chương trình khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, ngày 4/3, cho biết ung thư vú là ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước. Theo thống kê của Ghi nhận ung thư năm 2020, mỗi năm ở nước ta có 182.563 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 21.555 ca (tỷ lệ gần 12%).
"Đây là căn bệnh có tỷ lệ khỏi đến 90% nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp", ông Quảng nói, thêm rằng rất nhiều phụ nữ chưa chủ động đi khám sàng lọc.
Theo ông Quảng, yếu tố tiên quyết vẫn là điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm. Vì vậy, tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng. Hơn nữa, song song với phương pháp điều trị truyền thống, người bệnh được tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị tiến bộ mới và cá nhân hóa, hiệu quả cao và chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K là trên 70%, tương đương các nước tiên tiến, theo ông Quảng. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú có thể đạt 100% nếu phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0). Tỷ lệ này giảm còn 95% ở giai đoạn I, 80% ở giai đoạn II, 72% ở giai đoạn III và 25% ở giai đoạn IV. Điều này cho thấy nên sàng lọc phát hiện sớm ung thư nếu muốn kiểm soát căn bệnh này.
Hiện khoảng 900 cơ sở y tế trên cả nước có chuyên khoa ung thư. Trong Kế hoạch quốc gia phòng bệnh không lây nhiễm năm 2022, các tỉnh thành cần xây dựng chỉ tiêu chỉ số phòng chống ung thư. Đến nay, nhân lực và công tác phòng chống ung thư vú ở tuyến trung ương cơ bản đã đáp ứng; tuyến tỉnh thiếu cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, tuyến huyện và xã gần như là khoảng trống, chưa thực hiện.
Từ thực trạng này, dự án Tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ung thư vú được thí điểm ở Bắc Ninh để xây dựng mô hình cho địa phương khác. Dự án có ba mục tiêu chính gồm: Đào tạo cán bộ y tế; xây dựng tiêu chuẩn về sàng lọc, phát hiện sớm và triển khai sàng lọc cho nhóm dân số có nguy cơ cao. Cuối cùng là thành lập và tiêu chuẩn hóa ghi nhận ung thư vú.
Ông Nguyễn Chí Hành, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, cho biết đây là cơ hội cho các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ quản lý y tế của tỉnh nâng cao năng lực, tổ chức các chương trình khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú trong thời gian tới.
Dự án được triển khai trong hai năm 2022-2023. Các chuyên gia hy vọng đây là mô hình quản lý bệnh ung thư áp dụng cho tất cả tỉnh thành.
Lê Nga