Thứ sáu, 30/11/2018, 08:00 (GMT+7)

Những ngày giữa tháng 11, nắng vàng trải đều trên những nương đồi, sườn núi ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trời xanh, ráo, gió đan qua nương quýt chín trên đồi bậc thang.

Len lỏi giữa những gốc quýt sai quả, Pờ Thị Sen nheo mắt nhìn trời, mỉm cười cúi xuống tay lựa, tay kéo bấm, thảy từng chùm chín vào chiếc gùi trên lưng.

"Được tắm đủ nắng, cuống quýt tươi lắm. Quýt Trung Quốc nhìn bắt mắt thôi nhưng vỏ xốp, dày, bóc ra bên trong khéo không được múi to. Quýt Mường Khương có múi giòn, mọng nước và tươi, vị chua ngọt dễ chịu, vỏ móng và dính", Sen giải thích.

Sen là người dân tộc Pa Dí, được xếp vào một nhóm nhỏ của dân tộc Tày địa phương. Hiện người Pa Dí sinh sống chủ yếu ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Lớn lên trong cộng đồng người Pa Dí, Pờ Thị Sen ban đầu cũng học theo cách làm kinh tế truyền thống của thôn làng mình là trồng ngô nấu rượu. Đến năm 2004, nhận thấy tính bấp bênh của nghề này, Sen chuyển hướng sang trồng trọt, cụ thể hóa bằng 6.000 gốc quýt trên những vườn đồi gia đình.

Tiếng Pa Dí thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai), không có chữ viết. Những dãy núi trùng điệp ở Mường Khương, cũng như các huyện khác và xa hơn là toàn tỉnh Lào Cai đa phần cũng chẳng có tên.

"Bọn chị dưới xuôi lâu lâu mới có một ngọn núi thì bọn chị đặt tên chứ trên này đồi núi nhiều lắm, tên đâu mà bọn em đặt cho xuể", Sen hồn nhiên giải thích.

Tuy vậy, đồi quýt nhà Sen cũng có hẳn một cái tên, tên theo tiếng gọi dân tộc của người Pa Dí. Sen không biết từ đâu mà có. Cô học lại từ mẹ. Sen gọi vườn đồi quýt này là "hày nga màn má", để phân biệt giữa bốn, năm nương đồi khác cũng trồng quýt mà nhà Sen đang sở hữu.

"Hày nga màn má" – Sen ngân nga cái tên như một khúc hát. "Hày nga màn má" của Sen nằm trên một quả đồi ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương. Vườn quýt này cũng có một cái tên tiếng Kinh giản dị khác là "Vườn quýt Diu Sen" – ghép từ tên hai vợ chồng Pờ Thị Sen và Sền Pờ Diu. Nhờ việc chuyển hướng sang trồng quýt, gia đình Sen thoát nghèo,. Hai vợ chồng có "xe đẹp để đi, nhà to để ở". Con cái được học hành.

"Mình không được học hành bài bản về nông nghiệp nên tự mày mò . Cứ trồng thử cây này cây nọ, cách này cách kia, sai thì chặt bỏ làm lại từ đầu", Sen cười nói.

Qua vài mùa vừa làm vừa học, vừa thử nghiệm, từ 2004 đến 2013, vườn quýt của Sen cho thu hoạch ổn định với chất lượng tốt và sản lượng cao. Hiện vợ chồng Sen sở hữu diện tích ước tính 3 ha, cứ mỗi 2.000 gốc cho trung bình 20 tấn mỗi năm.

Vườn của Sen hiện trồng ba loại quả là cam, quýt đường và quýt sen. Cô vừa nhận chứng nhận quýt sạch theo tiêu chuẩn VietGap Theo đó, lãnh đạo địa phương giao thêm nhiệm vụ hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc. Rồi hợp tác với các hộ xung quanh để tăng sản lượng và chất lượng cho sản phẩm quýt Mường Khương.

"So với trồng lúa và ngô, quýt cho thu nhập ổn định gấp 10 lần. Cả thôn mình sống có hơn 37 hộ trồng quýt thì sản lượng từ vườn nhà mình nhiều nhất thôn và đứng thứ hai ở huyện Mường Khương. Mình chọn theo hướng trồng quýt sạch ngay từ đầu, không cho chất kích thích tăng trưởng hay chất bảo quản", Sen cho biết.

Mỗi năm vào mùa thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11, Sen thường bỏ mối cho khách mua buôn đến từ tỉnh Lào Cai, Hà Nội hoặc bán loanh quanh cho bà con trong huyện. Khách đến mua tại vườn có thể tự tay chọn từng quả ngay trên cây, dùng kéo cắt và gùi đi. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến.

Nhưng chỉ đến gần đây khi quả quýt của Sen được đưa lên mạng, việc bán buôn trở nên dễ dàng hơn hẳn.

Sen bắt đầu biết bán hàng qua mạng sau khi Tập đoàn Công nghiệp – Viễn Thông Quân đội (Viettel) đến cắm trạm phát sóng 4G trên một đỉnh núi trong vùng. "Cán bộ vào tận nhà hướng dẫn bà con sử dụng data, cước data, còn dạy bà con cách dùng mạng xã hội", Sen kể. Từ đó, Sen nảy ra suy nghĩ sẽ đưa quýt Mường Khương lên mạng cho bà con cả nước biết.

"Có 4G thích lắm, mình ngồi tại vườn cũng liên lạc được với khách hàng, chụp ảnh được vườn quýt đăng trên mạng, gần xa đều biết đến, kết bạn, giữ liên lạc. Khi họ cần thì lại gọi điện, nhắn tin cho mình hỏi mua. Tính đến giờ vườn nhà mình cũng phải bán được hơn 7 tấn quýt qua mạng rồi. Có ngày khách đến đông, hai vợ chồng cùng người phụ việc phải luôn tay luôn chân dẫn khách đi xem vườn, cắt quýt cho khách không xuể", Sen vui vẻ cho biết

Đúng một năm trước, huyện Mường Khương công bố quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm quýt Mường Khương, xác định loại quả này trở thành sản phẩm kinh tế mũi nhọn. Người người nhà nhà Mường Khương đua nhau trồng quýt thoát nghèo, sử dụng công nghệ và nền tảng mạng xã hội để bán hàng như Sen. Tuy vậy, với họ những khái niệm về nền kinh tế mới vẫn còn là những thuật ngữ xa lạ.

Sen tự nhận mình kinh doanh theo bản năng, kinh nghiệm tự học được từ những lần "sai thì chặt rồi trồng cái khác". Ngay cả kế hoạch "mở rộng kinh doanh"- thử nghiệm trồng thêm 1.000 gốc cam sành cũng được Sen trình bày với triết lý giản đơn: "Khi nào ăn vào mồm thấy ngon thì mình bán ra cho bà con".

Với Sen, các khái niệm về kinh doanh, công nghệ, 4.0 và những thuật ngữ thời thượng của nền kinh tế kỹ thuật số như "thương mại điện tử", "bán hàng online"...vẫn hoàn toàn xa lạ dù đó là những việc mà Sen và người dân đang tập tành làm ở những bước đầu.

"Những việc dưới xuôi coi là bình thường thì đối với bà con vùng cao trên này, đây quả là một cuộc cách mạng. Với độ phủ sóng của dịch vụ 4G Viettel, hiện người dân từng thôn bản của huyện Mường Khương đã có thể truy cập Internet tốc độ cao, vào mạng xã hội, học hỏi và kết nối với người dân ở các địa phương khác. Các hoạt động giao thương buôn bán đang thuận lợi hơn rất nhiều. Doanh thu mảng di động của huyện Mường Khương mới đây đạt 2 tỷ đồng mỗi tháng, chiếm 56% thị phần và được kỳ vọng sẽ tăng lên cao hơn thời gian tới", ông Vũ Văn Duy, Giám đốc Trung tâm Viettel huyện Mường Khương cho biết.

Còn với Sen, nhờ mạng Internet di động tốc độ cao, những "hày nga màn má" đã vượt khoảng cách đồi núi trập trùng, đưa quýt Mường Khương từ bản đến tận nhà của bà con dưới xuôi. "Biết đâu tương lai còn ra được nước ngoài", Sen cười nói.