Các cảnh quay trong bom tấn 47 Ronin được thực hiện ở một studio tại Budapest (Hungary) và trường quay Shepperton Studio gần London (Anh). Mục đích của nhóm sản xuất là tạo ra một phiên bản được lãng mạn hóa về đất nước Nhật Bản từ đống đổ nát. Nhà sản xuất McLeod cho biết: “Nhiều người chưa có dịp đến Nhật Bản nhưng cũng có thể hình dung được một phần vẻ đẹp của đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên ở bộ phim này, vẻ đẹp đó được nâng lên một mức độ cao hơn - xanh hơn và sáng hơn”.

Bối cảnh Nhật Bản thế kỷ 18 trong phim "47 Ronin". Ảnh: Universal.
Các nhà sản xuất nhận thấy, để đảm bảo thành công cho bộ phim, họ cần phải tạo ra không gian văn hóa rộng hơn. Mặt khác, họ cũng muốn phản ánh được những nét đặc trưng về đời sống Nhật Bản vào thế kỷ 18 và đem đến cách nhìn mới mẻ cho câu chuyện truyền thuyết này trên màn ảnh rộng.
Đạo diễn Carl Rinsch cho biết: “Chúng tôi đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu để đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi hiểu rõ nền văn hóa này và bày tỏ sự kính trọng theo cách riêng và thật ấn tượng. Tuy nhiên, người Nhật Bản có nhiều phong tục rất nghiêm nên cần phải hết sức cẩn trọng để không phạm húy. Chẳng hạn như trang phục kimono phải cuốn bên phải trước và bên trái sau. Chỉ sau khi chết người ta mới cuốn ngược lại. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ biến diễn viên thành một xác sống”.
Nhà sản xuất Pamela Abdy tiết lộ các cảnh trong phim phải được thực hiện một cách chân thực nhất, từ những chi tiết nhỏ như tách trà, căn phòng, thảm tatami. “Có một cảnh Mika trang điểm để chuẩn bị cho lễ thành hôn với lãnh chúa Kira. Cảnh này phải liên quan đến cả triệu yếu tố nhỏ mới thực hiện được”.
Nhà thiết kế sản xuất từng hai lần được đề cử Oscar là Jan Roelfs (phim Fast & Furious 6) và nhóm của ông có nhiệm vụ tạo ra những địa điểm mang tính biểu tượng của 47 Ronin. Ở Budapest, nhóm của ông dàn dựng những cảnh rất đồ sộ về khuôn viên phía trong pháo đài Ako, đảo Dejima và rừng Tengu. Trong khi ở Shepperton, họ thiết kế khuôn viên bên ngoài của Ako và pháo đài của Kira.

Đạo diễn Carl Rinsch (trái) cùng dàn diễn viên trên trường quay phim "47 Ronin". Ảnh: Universal.
Hơn 15.000 bông hoa anh đào nhân tạo được gắn vào mỗi cây và những cây này lớn đến nỗi đội thiết kế sản xuất phải cắt bớt để đưa lên tàu chuyển đến Anh. Các cảnh như vậy còn được làm nổi bật thêm với khoảng 300 cây tre, mỗi cây cao 15 m, được vận chuyển từ Italy. Ngoài ra còn có các cây bonsai cao khoảng một mét, có cây trên 100 năm tuổi.
Điều phối viên cảnh mạo hiểm Gary Powell (phim Skyfall, Quantum of Solace) được giao nhiệm vụ chỉ đạo các cảnh mạo hiểm. Đạo diễn Carl Rinsch cho biết: “Gary đã làm được một việc phi thường. Chúng tôi muốn ghi lại nhiều nhất có thể các cảnh chiến đấu và anh ấy đã chỉ đạo nhóm diễn viên đóng thế làm việc rất hiệu quả”.
Tài tử Keanu Reeves không xa lạ gì với các thế võ châu Á. Anh từng học hỏi rất nhiều từ vai diễn trong loạt phim The Matrix và bộ phim đầu tay do anh đạo diễn Man of Tai Chi. Tuy nhiên, tập luyện cho bộ phim 47 Ronin đồng nghĩa với việc học các thế võ truyền thống của Nhật Bản có sử dụng vũ khí. Nam diễn viên chia sẻ: “Tôi bắt đầu tập luyện với thanh kiếm katana trước khi bắt đầu giai đoạn sản xuất khoảng sáu tuần”.
Trên đảo Dejima, Kai đối mặt với một sinh vật thần thoại là quỷ Oni (Neil Fingleton thủ vai). Keanu Reeves cho rằng đây là một trong những cảnh chiến đấu khó khăn nhất của anh trong sự nghiệp diễn viên: “Đó là một thử thách. Làm cách nào để chiến đấu với một người cao tầm đó? Neil là một vận động viên chuyên nghiệp và có nhiều kỹ năng về thể lực kể cả khi anh ấy không sử dụng đến kỹ năng chiến đấu”.

Cảnh quay giữa hai nữ diễn viên Kou Shibasaki (trái) và Rinko Kikuchi khiến nhiều khán giả thích thú. Ảnh: Universal.
Giám sát hiệu ứng kỹ xảo từng được đề cử giải Oscar là Christian Manz tạo ra những sinh vật xuất hiện trong 47 Ronin và phối cảnh nền trong phim. Anh cho biết: “Trong những buổi làm việc đầu tiên với Carl Rinsch, chúng tôi đã thảo luận về các đồ thiết kế thủ công và sáng tạo hơn là khía cạnh kỹ thuật. Tôi rất ấn tượng với những bức tranh tuyệt đẹp mà anh ấy đưa tôi xem. Anh ấy rất cởi mở, lắng nghe ý kiến người khác và muốn mọi thứ trông phải kỳ ảo”.
Về thiết kế trang phục, khó khăn lớn nhất là trang phục của một đất nước phương Đông trong một giai đoạn lịch sử toàn rừng núi vốn khá xa lạ với người phương Tây. Đối với nhà thiết kế trang phục Penny Rose (nổi tiếng với loạt phim Pirates of the Caribbean), bước đầu tiên là nghiên cứu.
Cô chia sẻ: “Chúng tôi không biết nhiều về đất nước Nhật Bản ở thế kỷ 18 nên hai người trong nhóm thiết kế trang phục đã đến Nhật để vào tất cả viện bảo tàng ở Tokyo nghiên cứu. Chúng tôi không muốn bắt chước những thứ có thật bởi chúng tôi đang muốn tạo nên một thế giới huyền ảo. Tuy nhiên, chúng tôi muốn bắt đầu với một hình mẫu cơ bản rồi phát triển thêm”.
47 Ronin đã khởi chiếu tại Việt Nam từ dịp Giáng sinh 2013 và vẫn tiếp tục được khán giả đón nhận trong những ngày đầu năm mới 2014.
Video: Dàn diễn viên "47 Ronin" trả lời phỏng vấn VnExpress |
|
Nguyên Minh