Tiếp nhận bệnh nhân từ tuyến trước vào tối 18/2, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhanh chóng hồi sức tích cực, truyền máu, bù dịch, giảm đau, cố định nẹp bột chậu, đùi và cẳng chân phải. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp chụp và nút mạch cấp cứu cầm máu gan bị vỡ. Sau khi bơm thuốc cản quang, xác định được vị trí chảy máu trong gan, bác sĩ tiếp tục luồn một ống thông siêu nhỏ đường kính khoảng một mm vào các nhánh động mạch cung cấp máu cho vùng gan bị vỡ; bơm keo làm tắc chỗ vỡ, giúp cầm máu.
Sau 45 phút thực hiện, ca can thiệp đã thành công, giúp cầm máu nhanh chóng cho bệnh nhân. Sinh tồn và toàn trạng bệnh nhân cải thiện tốt dần.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt, mạch, huyết áp ổn định, tình trạng chảy máu đã không còn, bụng mềm, kết quả xét nghiệm gần trở về bình thường. Khi tổn thương gan ổn định, bệnh nhân sẽ được xử lý tổn thương gãy xương đùi.
Theo bác sĩ Bùi Phi Hùng, gan là tạng đặc có thể tích lớn trong cơ thể. Trong chấn thương bụng kín vỡ gan chiếm tỷ lệ gần 68%. Vỡ gan có nhiều mức độ khác nhau nếu không phát hiện và xử trí kịp thời dẫn đến chảy máu ổ bụng làm bệnh nhân bị sốc do mất máu và dễ dẫn đến tử vong.
"Phương pháp nút mạch cầm máu có ưu điểm nổi trội là bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, giúp bệnh nhân tránh được cuộc đại phẫu với nhiều biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Phi Hùng nói.
Cửu Long