Công bố của Google cuối tháng 7 cho thấy ngày càng có nhiều nơi sử dụng công cụ theo dõi tiếp xúc của người dùng nhằm cảnh báo, hạn chế sự lây lan virus corona. Dù có 20 bang sử dụng ứng dụng truy vết Covid 19, Mỹ vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nhất về thương vong do Covid-19. Việc ứng dụng công cụ truy vết vẫn còn trở ngại do lo ngại của các nhà lập pháp về việc lạm dụng quyền riêng tư của người dùng.
Theo Reuters, trên thế giới, số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng công cụ truy vết của Google và Apple đã tăng từ 12 lên 16, tính đến tháng 7/2020. Áo, Brazil, Canada, Croatia, Đan Mạch, Đức, Gibraltar, Italy, Ireland, Nhật, Latvia, Bắc Ireland, Ba Lan, Arab Saudi, Thụy Sĩ và Uruguay là những nơi đã sử dụng công cụ mà hai hãng công nghệ trên phát triển.
Điểm khác biệt ở công cụ truy vết của Apple và Google là dữ liệu tiếp xúc có thể đồng bộ ở nhiều quốc gia với nhau, cho phép theo dõi các tiếp xúc gần ngay cả khi người sử dụng di chuyển qua các quốc gia.
Ứng dụng Bluezone do Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phát triển và áp dụng trong nước cũng tương tự công nghệ của Apple và Google. Ứng dụng khai thác công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp. Smartphone cài ứng dụng sẽ trao đổi tín hiệu với nhau trong khoảng cách hai mét và lưu lại nhật ký tiếp xúc, không phân biệt điện thoại Android hay iPhone. Khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 mới, lịch sử tiếp xúc của người bệnh sẽ được gửi tới các smartphone để đối chiếu. Nếu trùng khớp, người dùng sẽ nhận được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm.
Tại Việt Nam, số lượt tải Bluezone tăng vọt vào cuối tháng 7 sau khi có thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 được phát hiện. Tính đến 31/7, ứng dụng này đã có tổng cộng hơn 1.135.500 lượt cài, gấp bốn lần so với thống kê chỉ năm ngày trước đó.
Theo ước tính của đại học Oxford, để các ứng dụng truy vết Covid-19 đạt hiệu quả kiểm dịch tối ưu thì cần tới 60% dân số trưởng thành cài đặt. Tại Việt Nam, số lượt cài ứng dụng đã hơn 1,1 triệu so với dân số 95 triệu người vẫn còn thấp.
Mỹ Anh