Thông tin được Cục Hợp tác quốc tế đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 19/8. Trong hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài, 26,6% theo học diện hiệp định và 73,4% ngoài hiệp định.
Trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận mới vào Việt Nam (năm 2019 đông nhất với trên 6.300). Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong hai năm 2020 và 2021, Việt Nam chỉ tiếp nhận khoảng 3.000 lưu học sinh mỗi năm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam chủ yếu là trình độ đại học và các khóa ngắn hạn. Số lưu học sinh học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khá khiêm tốn; lưu học sinh học tiến sĩ chủ yếu là lưu học sinh Lào, Campuchia và một số lưu học sinh Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản học ngành Việt Nam học.
Ngoài Lào và Campuchia có số lượng lưu học sinh chiếm tỷ lệ lớn với gần 80%, 20% lưu học sinh còn lại đến từ một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản.
Các cơ sở giáo dục thu hút được nhiều lưu học sinh (trên 1.000) và đa dạng quốc tịch có thể kể đến Đại học Quốc gia Hà Nội (74 quốc tịch); Đại học Quốc gia TP HCM (47), Đại học Hà Nội (44), Đại học Huế (38), Đại học Thái Nguyên (29), Đại học Đà Nẵng (13).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận, công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016-2021 đã được đa dạng hóa và có nhiều thay đổi cơ bản về chất và lượng so với giai đoạn trước.
Ông Phúc nhấn mạnh, giai đoạn 2022-2030, các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Ông cho rằng, ngoài học tập, lưu học sinh nước ngoài còn trở thành "đại sứ văn hoá", cầu nối tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan dự kiến rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý.
Lệ Thu