Tại họp báo trước kỳ họp 6 Quốc hội (khai mạc ngày 23/10), Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận đầy đủ báo cáo công tác từ đầu nhiệm kỳ và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm.
"Báo cáo đã được gửi đầy đủ đến đại biểu Quốc hội 20 ngày trước khi khai mạc kỳ họp", ông Tuấn Anh nói, thông tin thêm kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Kỳ họp dành hơn một ngày để lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Chiều 24/10, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, sau đó thảo luận ở đoàn. Sáng 25/10, các đại biểu lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín, chiều cùng ngày Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Nêu lý do lấy phiếu tín nhiệm đầu kỳ họp thay vì chờ sau khi chất vấn, ông Tuấn Anh cho rằng việc đánh giá cán bộ dựa vào kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm đầu kỳ họp "rất bình thường".
Theo Điều 7 Nghị quyết 96 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ nội dung mà cử tri và nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND yêu cầu.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được tiến hành theo Nghị quyết 96 bao gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Vì vậy, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, do năm vị này được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 được tiến hành theo hai đợt với tổng thời gian làm việc 22 ngày: Đợt 1 kéo dài 15 ngày (23/10-10/11), đợt 2 trong 7 ngày (20-28/11).
Ngoài nội dung lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Đất đai sửa đổi; Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi; Luật Nhà ở sửa đổi; Luật Tài nguyên nước sửa đổi; Luật Viễn thông sửa đổi; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Ngoài ra còn có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân sửa đổi; Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Luật Lưu trữ sửa đổi; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô sửa đổi; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.